Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Trung Thu cho em

Mong cho em có một mùa Trăng tròn đầy và ý nghĩa, mong cho em có một mùa Trăng được thỏa thích vui chơi bên bạn bè, được sống đúng nghĩa trẻ thơ, được tin vào phép màu và chị Hằng, chú Cuội.


Trung thu đến, khắp nơi mọc lên các ki-ốt bán bánh nướng, bánh dẻo, những món đồ chơi xanh xanh đỏ đỏ. Có lẽ, Trung thu trong mắt người Việt mình vẫn là một ngày hội lớn, ngày mà cả trẻ em người lớn đều thích.
Nhưng thật ra, bây giờ, đón ngày rằm tháng Tám không đơn thuần chỉ là đồ chơi của lũ trẻ nhỏ. Đại đa số, đồ thì nhiều, trẻ chơi thì ít…
Vẫn nhớ Trung thu xưa, lũ trẻ chúng tôi nô nức khắp những con ngõ nhỏ, đứa nào có điều kiện thì được người lớn mua cho lồng đèn ông sao, lồng đèn cá chép, cao cấp hơn có loại đèn điện tử bấm là phát nhạc, ánh sáng đỏ vàng lấp lánh trong buổi tối đêm Trung thu. Còn những đứa trẻ không có nhiều điều kiện, lấy vỏ lon làm đèn, đập bẹp dí, dùng kéo cắt một tí là được cái lồng đèn nhỏ xinh, cắm nến vào giữa, cứ thế tối tối mang đi khoe bạn khoe bè. Lồng đèn cho trẻ em ngày xưa không quá nhiều, chỉ vừa đủ chơi, đa số là tự làm, nhưng đứa nào cũng thấy lồng đèn đẹp, sáng lạ kỳ lắm, như thể thắp lên trong đáy mắt trẻ thơ về một mùa Trăng mới, hạnh phúc và ấm no.
Vẫn nhớ Trung thu xưa, lũ trẻ con ở khắp làng khắp xóm bóc quả bưởi mà nhà mua về thắp hương hôm rằm, lấy những hạt to, đem phơi no nắng, đợi đến hôm trăng rằm xúm năm tụm ba chơi trò đốt pháo. Pháo của bọn trẻ làm bằng hạt bưởi nổ không to, nhưng vui, tiếng cười còn giòn hơn tiếng pháo…
Những mùa Trung thu xưa bánh kẹo chỉ đếm trên đầu ngón tay, đa phần ăn hoa quả, mà hoa quả cũng chỉ là bưởi, ổi,… nhà có quà gì thì mang ra bày lên mâm cỗ, để ngoài sân dưới trăng tròn vành vạnh, chờ trăng lên cao, cao tít, người lớn ở nhà ngồi xúm trên manh chiếu mảnh trải ngoài sân, uống tuần trà, kể nhau nghe dăm ba câu chuyện, bọn trẻ con lại tíu tít rồng rắn dắt nhau đi xem múa Lân. Tiếng trống cùng tiếng cười bọn trẻ vang khắp một khu.
Trung thu nay đổi mới nhiều rồi, người ta cũng chẳng mấy khi tha thiết một chiếc lồng đèn ông sao năm cánh dán giấy màu, thay vào đó là những chiếc lồng đèn điện tử đủ hình đủ sắc, đèn càng to càng đẹp, càng đắt càng sang.


Trung thu nay không phải là những trò chơi trẻ nhỏ, đa phần bọn trẻ được bố mẹ đưa đi đón về, kể cả đi chơi, chẳng bao giờ được nghịch, cứ ngồi trên xe, đến những chỗ nào tụ tập đông người, nghe hát dăm ba bài thiếu nhi rồi về nhà phá cỗ.
Trung thu nay bánh quá nhiều, nhiều đến mức chẳng thiết ăn, bọn trẻ cũng không háo hức được người lớn cho quà, cho bánh như ngày xưa nữa, thứ quà bánh Trung thu bây giờ được người lớn tận dụng làm quà biếu, càng đắt thì tấm lòng càng hậu.
Mỗi thời mỗi khác, rồi lớp trẻ sẽ ghi sâu vào tuổi thơ của chúng những ký ức mà người lớn mang lại cho chúng những ngày còn nhỏ. Dẫu vậy, không ai trong chúng ta mong muốn rằng con em mình mất đi hồn nhiên trẻ nhỏ, vô tình bị đóng khuôn bởi những phép tắc và giáo điều của phụ huynh.
Mong cho em có một mùa Trăng tròn đầy và ý nghĩa, mong cho em có một mùa Trăng được thỏa thích vui chơi bên bạn bè, được sống đúng nghĩa trẻ thơ, được tin vào phép màu và chị Hằng, chú Cuội.
Trên tất cả, mong cho em một mùa Trung thu không mới…


Theo internet




Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

CHUYỆN SÀI SÒN



Những ai đã từng sống ở Sài Gòn chắc cũng từng quen thuộc với câu cửa miệng “chiện nhỏ” (phát âm đúng theo dzọng Sài Gòn là “chiện” chứ không phải là “chuyện”)
Đây là một bộ sưu tầm những chiện lặt vặt về người Sài Gòn, cách cư xử của người Sài Gòn. Những bác nào không  phải người Sài gòn thì đọc để hiểu thêm về người Sài gòn nhé.
Đọc để thấy cuộc sống vẫn còn nhiều đều tốt đẹp.



Chuyện 1.

Đó là một con hẻm khá rộng rãi ở giữa nhưng hai đầu thì nhỏ xíu, chỉ chạy lọt chiếc xe máy, nối hai trục đường chính ở quận 3. Trong hẻm nhà cửa san sát, nhà mới xây cao 3~4 tầng cũng nhiều mà nhà cũ, mái tole gác gỗ cũng sin sít, nhiều nhà dùng phía trước để buôn bán nhỏ, bán đồ ăn hoặc tạp hóa, nhiều nhà mở tiệm gội đầu hoặc đặt biển công ty mà chẳng có nhân viên. Dân cư trong hẻm hầu hết đều biết nhau, cũng có một vài người mới dọn tới hoặc thuê nhà trong hẻm nhưng họ nhanh chóng làm quen với cư dân hẻm.

Bà chủ nhà trọ của tôi được gọi là cư dân lâu đời nhất của hẻm, hơn 60 năm. Bà là người cất nhà đầu tiên trên đất này. Bà kể, lúc bà vô Sài Gòn năm 16 tuổi, cả nhà bà đi trên một cái ghe. Lúc đó hẻm này, từ đầu đến cuối, là một con rạch rộng và sâu, bơi chừng vài chục sải mới sang bờ, tuy thông với nhiều rạch khác nhưng nước ở rạch này lại trong veo, đáy toàn cát. Bờ bên này, chỗ nhà trọ tôi ở, là một cái bến thuyền tấp nập suốt ngày đêm. Cha của bà đã dựng cái chòi đầu tiên trên bến, đúng chính chỗ căn nhà bây giờ, lúc đó ban đêm gió từ những con rạch thổi lồng lộng đến nỗi muốn cuốn bay mọi thứ.

Có nhiều sông rạch, nhiều đầm lác, nhiều rừng dừa nước đã biến mất, nhường chỗ cho phố xá và những con hẻm đầy nhà, đầy người, ở Sài Gòn.



Chuyện 2.

Ở một showroom sang trọng của một hãng xe hơi nổi tiếng mà giá của một chiếc xe nằm ngoài khả năng đếm của nhiều người, vào một buổi trưa trời nắng gắt bên ngoài nhưng bên trong vách kính thì mát lạnh. Anh nhân viên bán hàng mặc đồ vest với cà vạt và dày da bóng lộn đang ngồi xem tivi.

Có một cụ ông đi bộ ngoài đường mở cửa vào showroom. Trông ông có vẻ không được khá giả lắm, tuy cũng vận áo sơ mi ngắn tay cũ và một chiếc quần khaki ngả màu. Ông cụ bước vào, đảo mắt nhìn một lượt rồi chắp tay sau lưng đi đến những chiếc xe trưng bày và bắt đầu xem xét. Anh nhân viên bán hàng bật dậy đi theo cụ, anh đi nhẹ nhàng và tỏ vẻ lịch sự. Anh gọi cụ là ngoại. Ngoại ơi, ngoại à. Mỗi lần cụ dừng lại ở một chi tiết anh lại đề nghị được cho cụ xem rõ hơn, anh mở cửa trước, cửa sau, mở nắp capo để cho cụ xem. Khi cụ tỏ ý thắc mắc thì anh lại nhẹ nhàng giải thích với cụ, cụ già cứ gật gù lắng nghe nhưng có vẻ không hiểu mấy.

Đi chán cũng mỏi, anh bán hàng mời cụ già lại chỗ sofa có cái bàn kiếng sạch bóng và mời cụ dùng café, loại café đá pha sẵn thôi. Mãi sau cụ già nói với anh: qua thấy chỗ bán xe hơi này sang trọng quá, lại có máy lạnh nên qua vô xem chơi, chứ xe này cả dòng họ qua gom tiền lại cũng mua không nổi. Anh nhân viên vẫn rất lịch sự: dạ con biết, sẵn ngoại vô chơi thì con giới thiệu luôn để ngoại coi xe, đâu phải ai vô coi xe cũng mua đâu ngoại. Anh cười, coi bộ hiền khô.



Chuyện 3.

Một góc ngã tư giao lộ giữa hay con đường thuộc loại đông nhất nhì Sài Gòn, nơi thường xuyên bị kẹt xe, nhất là vào giờ cao điểm. Bên cảnh sát giao thông phân công hai anh sĩ quan đến trực ở ngã tư này để giải quyết nạn ùn tắc và xử phạt mấy phương tiên chạy ẩu, nhất là mấy chiếc xe hơi rẽ trái sai luật.

Hai anh sĩ quan này có lẽ thuộc loại vất vả nhất trong ngành vì thời gian của hai anh hầu hết đều phải đứng ngoài nắng ngoài mưa để phân luồng và điều chỉnh đèn tín hiệu, chỉ cần hai anh vắng bóng một lúc là cái ngã tư lại nùi nùi một mớ xe cộ.

Chỗ hai anh đứng có một cái tủ điện chìm, lúc nào cũng có nước uống. Sáng thì café, nắng lên thì trà đá, chiều thì có nước đá chanh… Mỗi khi uống hết nước thì anh sĩ quan trẻ hơn băng qua đường đem trả những cái ly cho một quán cóc gần đó. Quán cóc vỉa hè nhưng lúc nào cũng có khách ngồi.

Lát sau bà chủ quán lại bưng qua một món thức uống mới, đúng lúc tôi đứng gần đó. Anh sĩ quan lớn tuổi hơn quay qua nói, hình như cốt để cho tôi nghe: bà này bả cho tụi tôi uống nước miễn phí cả tháng nay, nói hoài mà hông chịu cầm tiền, mơi không uống nữa nghen bà. Bà già cười lớn, ha hả, mấy chú làm việc cực khổ, tui đãi miếng nước, chuyện nhỏ xíu mà, mấy chú uống cho tui dzui.



Chuyện 4.

Dạo này Sài Gòn trời nắng gắt, đi ngoài đường hay thấy mấy thùng ghi “trà đá miễn phí”, ai muốn uống thì uống, dân xe ôm, xích lô là khoái dữ lắm, ghé uống ừng ực rồi cứ vậy đi, không cần phải cảm ơn.

Một lần ông xe ôm chở tôi xin phép tấp vô lê uống ly trà đá, tôi mới biết là có trà đá miễn phí. Đó là thùng trà đá miễn phí tôi thấy đầu tiên, nó ở gần bệnh viện 115, mặc dù nó không có bảng ghi “miễn phí”, chỉ thấy một thùng trà đá để ngoài đường, ai qua lại nếu biết cứ tự động rót mà uống. Uống hết có người ra châm trà, châm nước, bỏ đá vô.

Tôi hỏi ông xe ôm, trà đá miễn phí kiểu vầy có nhiều không chú. Ổng nói cũng nhiều, tùy mình biết chỗ mà ghé uống, trời nắng vầy có ly trà đã cũng đã lắm chú. Tui không phải nghèo đến mức cần phải uống trà đá miễn phí, tui uống bị thấy khoái vậy thôi.



Chuyện 5.

“Bây giờ cầm tờ báo lên là rầu, hết muốn coi báo” – Câu này của một đại gia Sài Gòn. Đại gia này có lẽ đã về hưu, con cái đã thành đạt lấy vợ lấy chồng ở riêng hết. Đại gia này thường hay ngồi ở quán café cóc của bà già ở mẩu chuyện số 3. Sáng nào cũng có mặt, dù nắng hay mưa.

Sáng nào đại gia cũng mua báo, chắc chắn là có Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Công An, Pháp Luật… thỉnh thoảng mua tờ tạp chí hoặc nguyệt san. Đại gia chỉ mua báo của hai người, một con bé và một thằng bé quen, bữa đứa này bữa sau đứa kia. Hai đứa trẻ bán báo không bao giờ cạnh tranh nhau quyết liệt hoặc tỏ ra giành mối, chúng vui vẻ cùng phục vụ một vị khách hàng. Đại gia mua rất nhiều nhật báo nhưng lúc ra về chỉ đi tay không.

Sau này, khi có dịp ngồi ở quán café cóc đó suốt một buổi sáng tôi mới biết. Nếu hôm đó đại gia mua báo của thằng bé, sau khi đọc xong ông sẽ gấp tờ báo lại như cũ và đem cho con bé đi bán tiếp và ngược lại, nếu mua của con bé thì ông sẽ đem cho thằng bé để nó đi bán cho người khác, tiền thì ông vẫn trả đủ.



Chuyện 6.

“Cho nhiêu cũng được” – Câu này ai ở Sài Gòn chắc là biết, chắc thỉnh thoảng có nghe, nhất là khi đi taxi, xe ôm, xích lô… nếu là khách đi quen rồi hoặc quãng đường gần quá khó trả giá thì bác tài sẽ nói vậy: chú (cô) cho nhiêu cũng được. Nói vậy chứ ai đành lòng cho ít, ví như đúng ra bảy ngàn thì khách sẽ đưa mười ngàn cho chẵn tiền.

Đó cũng không hẳn vì ít tiền quá mà nói vậy, cũng có khi nhiều thứ giá trị hơn người bán cũng nói: cho nhiêu cũng được. ví dụ như chuyện có cô giáo nọ dạy văn ở một trường cấp hai, cô nổi tiếng là thương học trò như con. Mỗi buổi sáng cô hay đi chợ ở gần nhà để tiện việc cơm nước. Trong chợ có rất nhiều người biết cô là cô giáo, và họ thường gọi luôn là “cô giáo”. Nhiều khi cô giáo cũng khó xử với các bà, các chị trong chợ, họ cứ bỏ vô giỏ cô khi thì con cá, khi thì bó rau, khi thì ký thịt… khi cô đòi trả tiền thì họ không chịu lấy hoặc nói: cô giáo cho nhiêu cũng được.
Cho nhiêu cũng được



Chuyện 7.

Ông là thương binh, thương binh của chế độ cũ, ông bị thương gần ngày Sài Gòn giải phóng. Sau giải phóng ông làm nhiều nghề để sinh sống và để nuôi ba đứa con ăn học. Một lần nọ ông làm công việc bảo vệ ở một nhà hàng vào buổi tối, đó là một nhà hàng lớn và có rất nhiều nhân viên và thực chất công việc của ông là chuyên đắt xe cho khách đến ăn nhậu mà thôi. Chủ nhà hàng là một người đàn ông khá giả và cư xử rất được.

Một hôm có chuyện. Đêm khuya khi nhà hàng chuẩn bị đóng của và người chủ cũng chuẩn bị ra về thì có một nhóm người hung dữ cầm mã tấu xông vào nhà hàng truy sát người chủ. Người đàn ông tuy khá cao to và nhanh nhẹn nhưng khó có thể chống cự với bốn năm tên sát thủ chuyên nghiệp, tất cả mọi người bỏ chạy tán loạn. Ông thấy vậy không được nên đứng ra bảo vệ chủ mình, vừa đỡ đòn vừa dìu anh này bỏ chạy. Nhờ sự giúp sức của ông, nạn nhân đã thoát thân tuy cũng bị thương nhẹ, còn ông thì bị hai nhát chém nặng mà một nhát sau này đã làm ông không thể cử động cánh tay phải.

Người chủ mang ơn ông lắm dù ông nhiều lần nói “chú ơi, tôi làm công cho chú thì phải bảo vệ chú thôi, ơn nghĩa gì mà chú cứ nói hoài”. Và mặc dù ông đã nhiều lần từ chối nhưng người chủ nhà hàng vẫn mua cho ông một căn nhà nhỏ, chu cấp hằng tháng đủ nuôi cả gia đình ông và cho tiền ba đứa con ông ăn học.

Chuyện xảy ra đã lâu rồi. Hôm qua tôi ngồi trong ngân hàng, ngồi kế bên cậu con trai lớn của ông và được nghe câu chuyện này. Cậu nói: chú đó sắp đi Mỹ rồi nên bữa nay chú kêu con ra ngân hàng mở tài khoản để mai mốt chú chuyển tiền về.



Chuyện 8.

Chuyện này nghe một bạn sinh viên kể. Bạn nói trước nhà bạn nghèo lắm, mẹ bạn bán vé số ở Quận Tám và bạn cũng đi bán phụ mẹ. Nếu bạn học buổi sáng thì sẽ phụ mẹ bán buổi chiều và ngược lại, nhà chỉ có hai mẹ con.

Có một chú thợ hồ ở gần nhà, nói là gần nhà chứ thực ra là ở một cái chòi trong xóm hẻm sâu sát bờ kinh, chú này mỗi khi nhậu thường hay mua vé số của hai mẹ con cậu. Chú này mua không nhiều, mỗi lần chỉ mua hai vé, nhưng điều đáng nhớ là sau khi trả tiền hai vé thì chú sẽ cho lại cậu một vé, và lúc nào cũng căn dặn: nhớ giữ lại hen mầy, phải thì cùng đổi đời.

Và cậu đổi đời thiệt, một lần cặp vé số định mệnh đã trúng giải độc đắc. Người vợ của chú thợ hồ khi biết chồng mình trúng số độc đắc đã nổi lòng tham và muốn đòi lại tờ vé số mà chú đã cho cậu buổi chiều trước đó. Nhưng chú thợ hồ đã kiên quyết không đòi lại, chú còn dùng tiền trúng số đã cả xóm một bữa nhậu linh đình.

Có vốn, mẹ cậu không bán vé số nữa mà chuyển ra mở quán ăn sáng và cuộc sống của hai mẹ con đã khá hơn trước rất nhiều. Chỉ riêng chú thợ hồ thì vẫn làm thợ hồ, bây giờ chú mua vé số của người khác nhưng tật cũ vẫn không bỏ, mua hai vé và cho lại người bán một vé. Chú luôn dặn: nhớ giữ lại hen mầy, phải thì cùng đổi đời.



Chuyện 9.

Ông chạy xe ôm ở Quận 10 nhưng nhà ông thì ở tận ngã tư An Sương, vợ ông thì bán vé số nên ông thường đậu xe kế bên bà. Hai người mang cơm theo ăn buổi sáng và buổi trưa, buổi chiều thì trả vé về sớm rồi cùng ăn ở nhà.

Quê ông bà ở Cần Giuộc. Bữa nọ thấy có người trông dáng như ở quê lên, tới ghé cho ông bà hai con gà, một buồng chuối và một giỏ đệm đầy cá trê phi, con nào con nấy mập ú, vàng óng. Tôi tò mò hỏi: bà con dưới quê gửi lên hả chú? Ông cười, nói đúng ở quê gửi lên nhưng mà hông phải của bà con, thằng đó nó chiếm đất của tui đó chớ.

Nhà ông có nhiều anh em, cha ông có chia cho ông ba công ruộng ở quê. Ruộng đất phèn nên một năm chỉ trồng được một vụ mà lại có mùa trúng mùa thất nên ông bỏ đó lên Sài Gòn chạy xe ôm. Ruộng bỏ hoang lại nằm xa xóm nên không ai coi. Một lần ông về quê và phát hiện ruộng của mình có người chiếm mất. Đó là một gia đình nghèo, hai vợ chồng và bốn đứa con nheo nhóc, trước họ sống theo ghe nhưng cái ghe nát quá nên cả gia đình dắt nhau lên bờ kiếm đất hoang lập nghiệp, cũng bị đuổi cùng đường mới tới đây.

Mới đầu ông cũng làm căng, thưa lên xã rồi nhờ bà con tới đòi kịch liệt lắm, nhưng do đất nhà từ xưa không có giấy tờ, lúc chia cũng không lập di chúc nên khó nói lý. Rồi ông phát hiện bà vợ mình bị tiểu đường nặng nên thời gian của ông chủ yếu ở bên bà, ông không thiết đòi đất nữa.

Một lần về quê đám giỗ ông đã ký giấy cho gia đình nghèo nọ ba công đất luôn.
Ông nói, mình cũng nghèo mà thấy tụi nó còn nghèo hơn. Mình già rồi, sống nay chết mai, thôi coi như làm phước cho tụi nó. Cũng được cái là vợ chồng nó cũng biết điều, nhận tía má luôn, đem lên cho đồ hoài, ăn hổng hết.


Chuyện 10.

Sài Gòn rộng, rộng lắm, nên chuyện ở Sài Gòn người ta hay kêu là: “chiện nhỏ”.

Bùi Cát Vàng
sưu tầm




Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Bài học cuộc sống 2



Bơ và những viên đá cuội

Một ngày nọ có chàng trai trẻ vừa buồn vừa khóc, tìm đến Ðức Phật. Ðức Phật hỏi, “Cái gì sai trái đã làm nhà ngươi khóc?”

“Thưa ngài, cha con chết ngày hôm qua.”

“Thì nhà ngươi làm gì được? Ông ấy đã chết rồi, buồn khóc chẳng thể làm ông ấy sống lại.”

“Vâng, thưa ngài, con hiểu điều đó; buồn khóc chẳng thể làm cho cha con trở về với con. Nhưng con đến đây cầu xin ngài một điều: xin ngài hoan hỷ làm một điều gì đó cho người cha quá vãng của con!”

“Vậy ta có thể làm gì giúp cho cha con?”

“Thưa ngài, xin ngài làm một cái gì đó. Ngài là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác, là đấng toàn năng, chắc chắn ngài có thể làm được. Ngài hãy xem, các vị Bà La Môn cúng tế, các thầy ấy phát giấy xá tội, đã cử hành những nghi thức cúng lễ cầu siêu giúp người quá cố. Và nghi thức cúng tế cầu siêu nếu được tổ chức sớm ở đây, thì cánh cửa trên thiên giới sẽ được mở ra sớm và người quá cố sẽ được siêu thăng về nơi đó. Họ sẽ nhận được giấy nhập cảnh. Thưa ngài, ngài là đấng toàn năng, ngài có đầy đủ quyền lực! Nếu ngài chủ tế nghi thức cầu siêu cho cha con, cha con không những nhận được giấy nhập cảnh nơi thiên quốc mà ông ấy sẽ được ở thường trú luôn. Thưa ngài, xin ngài hoan hỷ giúp cha con!”

Biết rằng chàng trai trẻ tràn ngập nỗi đau khổ chắc khó có thể hiểu được những lý lẽ phải trái trong lúc này, nên Ðức Phật đã phải dùng một phương tiện khác giúp cho chàng ta hiểu. Vì thế Phật nói: “Nhà ngươi hãy đi mua hai cái chậu đất nung.” Chàng trẻ tuổi lấy làm sung sướng, nghĩ rằng Ðức Phật đã nhận lời làm lễ cầu siêu cho cha hắn và đã tức tốc đi chợ mua hai cái chậu bằng đất nung.

“Ðược rồi,” Phật nói, “đổ vào chậu thứ nhất đầy đá cuội, chậu thứ hai đầy bơ.” Chàng trẻ tuổi làm y như lời Phật dạy.

“Bây giờ bịt miệng cả hai chậu lại, xong bỏ xuống hồ nước. Chàng trai trẻ làm xong, hai chậu chìm xuống dưới đáy hồ. “Bây giờ” Phật nói, “đem cái gậy ra đây, chọc bể cả hai chậu.” Chàng trai trẻ rất lấy làm sung sướng, nghĩ rằng đức Phật đã cử hành nghi lễ cầu siêu cho cha hắn.

Theo tập quán cổ truyền cổ Ấn Ðộ, khi người cha chết, người con làm lễ hỏa táng. Vào khoảng giữa thời gian thiêu, người con dùng cây gậy thọc và làm vỡ sọ đầu. Cũng theo niềm tin cổ truyền của họ, cho đến khi sọ đầu được mở ra nơi trần gian này thì cánh cửa thiên giới cũng được mở ra. Vì thế chàng trẻ tuổi tự nghĩ là, “Cha ta đã được thiêu đốt ngày hôm qua. Như là một biểu tượng, đức Phật muốn mình làm vỡ các chậu ngày hôm nay!” Chàng cảm thấy sung sướng nhiều với nghi thức này của Ðức Phật.

Chàng trai trẻ đã dùng cây gậy làm bể hai chậu. Lập tức, chậu đựng bơ bị vỡ, bơ nổi lênh láng trên mặt hồ nước. Chậu kia đựng những hòn đá cuội vẫn nằm yên dưới đáy hồ. Rồi Ðức Phật nói, “Chàng trai trẻ, đó là những gì ta đã làm. Bây giờ hãy mời các thầy cúng tế và nói với họ hãy tụng kinh và cầu nguyện: “Hỡi các viên đá cuội, hãy nổi lên, hãy nổi lên! Hỡi bơ ơi, hãy chìm xuống, chìm xuống!” Hãy cho chúng ta xem sự kiện xảy ra.”

“Thưa ngài, ngài nói đùa với con! Không thể nào như thế được, những viên đá cuội nặng hơn nước, chúng chìm xuống đáy. Chúng chẳng thể bao giờ nổi lên được. Ðây là định luật tự nhiên! Và thưa ngài, bơ nhẹ hơn nước, chúng nổi lên mặt nước, chẳng bao giờ có thể chìm xuống được. Ðây là định luật tự nhiên.”

“Chàng trai trẻ , nhà ngươi biết nhiều về định luật tự nhiên, nhưng nhà ngươi đã không hiểu về định luật tự nhiên này. Nếu trong suốt cuộc đời của cha nhà ngươi mà ông ấy đã làm những điều nặng như những viên đá cuội, cha nhà ngươi sẽ bị đọa, ai có thể giúp cha nhà ngươi siêu thoát lên trên được? Và nếu tất cả việc làm của cha ngươi nhẹ như bơ, ông ấy sẽ được siêu thoát; ai có thể đè ông ta xuống được?”

Nếu chúng ta hiểu định luật tự nhiên  và sống theo luật tự nhiên này, chúng ta sẽ vượt thoát khỏi những khổ đau và bất hạnh của cuộc đời.




Cách sống…

Khi tôi nhìn những con đường đầy những bông hoa dại, tôi lo ngại đám cỏ ấy sẽ phá đi mảnh vườn của mình.

Đám trẻ thì lại tìm hái những bông hoa ấy tặng mẹ và vui đùa với những bông cỏ may…

Khi tôi gặp một kẻ say khướt đang mỉm cười, tôi chỉ ngửi thấy mùi rượu và sự kinh tởm , những kẻ khiến tôi phải quay mặt.

Nhưng đám trẻ của tôi thì nhìn và mỉm cười lại với họ.

Khi tôi nghe những đoạn nhạc mà mình thích tôi chẳng để tâm chút gì, chỉ ngồi lì và lắng nghe .

Đám trẻ nhà tôi lại nhún nhảy theo nhịp điệu, hát to lên dù chỉ với những lời mà chúng tự nghĩ ra.

Khi gió thổi qua mặt, tôi thu người lại, bực mình vì chúng làm rối mái tóc của mình và những bước chân thêm khó khăn .

Lũ trẻ thì nhắm mắt lại, dang hai tay như bay lên cùng với chúng, sau đó thì phá lên cười.

Khi tôi gặp một vũng bùn, tôi cố bước qua nhanh, lo sợ chúng sẽ làm bẩn giày và day lên những tấm thảm.

Ŀám trẻ thì ngồi quanh lại, chúng cố xây các đập nước, các dòng sông và nô đùa với những con giun.

Khi cầu nguyện , tôi luôn mong Chúa sẽ ban cho mình nhiều thứ.
Lũ trẻ thì khẽ nói : “Chúa ơi, cám ơn vì đã cho con đồ chơi và nhiều bạn bè. Con cũng chưa muốn lên Thiên đàng với Người vì con nhớ ba và mẹ con lắm!”
Phải chăng chính trẻ con mới là những nguờ chỉ cho chúng ta cách sống, và có lẽ vì thế những thiên thần luôn ở bên chúng.

Và hãy tận hưởng những quà tặng dù nho nhỏ của cuộc sống. Một ngày nào đó, khi nhìn lại bạn sẽ nhận ra rằng đấy mới chính là những khoảnh khắc đích thực của mình!




Câu chuyện của dòng sông

Có một dòng sông rất đẹp chảy qua núi đồi và đồng cỏ xanh tươi. Dòng sông ca hát nhảy nhót tung tăn từ trên núi xuống đồng bằng. Xuống đồng bằng, dòng sông chảy chậm lại, mặt nước trong xanh êm mát. Lúc ấy dòng sông còn trẻ lắm, và dòng sông muốn chảy mau ra biển cả. Dòng sông càng lớn càng đẹp ra, lượn khúc yêu kiều ven đồi và bờ lúa.

Một ngày kia dòng sông chú ý đến sự có mặt của những đám mây trong lòng nước. Mây đủ màu sắc, hình thể, đẹp quá chừng, nên suốt ngày dòng sông cứ miệt mài chạy đuổi theo những đám mây, mong bắt được một đám mây cho riêng mình. Nhưng mây cứ lơ lững từng cao khó mà bắt được, nhất là mây cứ thay hình đổi dạng không ngừng. Vì mây vô thường như vậy nên dòng sông rất đau khổ. Chạy đuổi bắt theo mây thì vui nhưng sau đó thì dòng sông đầy thất vọng, u sầu và tức giận.

Một ngày kia, một cơn gió lớn đi qua, quét sạch mây trên trời. Bầu trời trở nên quang đãng không còn một bóng mây. Dòng sông não nề tuyệt vọng, không còn muốn sống nữa. ” Không còn mây để chạy theo, ta sống để làm gì? ”

Tối hôm đó, lần đầu tiên trong đời, dòng sông quay trở về tiếp xúc với chính mình. Lâu nay dòng sông chỉ đuổi theo những cái bên ngoài mà không bao giờ thấy được chính mình. Tối hôm đó, lần đầu tiên dòng sông nghe tiếng mình khóc, âm thanh sóng vỡ vào bờ. Dòng sông lắng nghe tiếng của mình và khám phá ra một điều rất quan trọng.

Dòng sông nhận ra rằng cái mà lâu nay mình theo đuổi đã nằm sẵn trong lòng mình. Tưởng mây là gì, đâu ngờ mây cũng chỉ là nước. Mây sinh ra từ nước và bây giờ mây trở lại thành nước. Và dòng sông tự bao giờ cũng vẫn là nước như một đám mây.

Sáng hôm sau, khi mặt trời lên cao, dòng sông khám phá ra thêm một điều thật đẹp. Đây là lần đầu tiên dòng sông thấy được bầu trời xanh thẳm. Lâu nay dòng sông chỉ chú ý đến mây , không chú ý đến bầu trời. Bây giờ sông mới hiểu rằng bầu trời là quê hương của các đám mây. Mây luôn luôn thay đổi nhưng bầu trời không bao giờ thay đổi. Và bầu trời cao đã có mặt trong lòng sông tự thuở nào. Cái thấy này đem lại cho dòng sông một nguồn an lạc lớn.

Dòng sông hiểu rằng bao giờ bầu trời xanh còn có mặt, niềm an lạc của dòng sông sẽ mãi mãi vững bền.

Trưa hôm đó, các đám mây lại lục tục trở về nhưng dòng sông không còn có nhu yếu muốn đuổi bắt nữa.

Đám mây nào đi qua, dòng sông cũng thấy đẹp và cũng vẫy tay chào. Dòng sông không còn thấy buồn tủi hay lưu luyến. Bởi đám mây nào cũng là một dòng sông , chẳng còn phải chọn lựa. Một niềm an vui hài hòa đã kết hợp mây và sông.

Tối hôm đó một điều thật tuyệt diệu đã xảy ra. Dòng sông mở rộng lòng đón mặt trăng rằm, mặt nguyệt tròn tròn vành vạch và sáng rực rỡ như một viên bảo châu trong dòng nước trong vắt.

Có một bài kệ miêu tả hình ảnh đẹp đó:
( Bồ tát Thanh Lương nguyệt
Du ư tất cảnh không
Chúng sanh tâm cấu tận
Bồ đề ảnh hiện trung)

Bụt là vầng trăng mát
Đi ngang trời thái không
Hồ tâm chúng sanh lặng
Trăng hiện bóng trong ngần

Dòng sông trong vắt đã làm hiện rõ bóng trăng và trăng đã cùng mây nước dắt tay nhau đi thiền hành về biển cả.

Chẳng có gì phải chạy đuổi theo.

Chỉ cần trở về với mình, trở về với hơi thở và nụ cười, trở về nơi mình ở, nơi có thông reo, chim hót và nắng ban mai.

Còn nơi nào đẹp hơn nữa?




Bốn người bạn đời

Ngày xửa ngày xưa… Có một ông vua giàu có. Ông có bốn người vợ. Ông yêu người vợ thứ tư nhất. Trang phục, trang sức quý nhất; những cử chỉ và lời nói yêu thương nồng thắm nhất, ông đều dành cho người vợ thứ tư này. Ông cũng yêu người vợ thứ ba nhiều lắm và từng đưa bà đi theo trong chuyến vượt dặm xa đến vương quốc kế bên. Tuy nhiên, ông cũng đã mang trong mình một nỗi lo sợ thầm kín: một ngày nào đó bà ấy, người vợ thứ ba này sẽ rời bỏ ông vì một người đàn ông khác.

Ông còn yêu người vợ thứ hai nữa. Bà là người bạn tâm tình tốt nhất của ông, luôn chu đáo với ông và kiên nhẫn ở bên ông trong mọi hoàn cảnh. Bất cứ khi nào có vấn đề khó khăn hay khó xử, trong bất cứ lĩnh vực nào, ông vua chia sẻ với người vợ thứ hai và ông đều tìm được từ bà những lời gợi ý cho một lối thoát.

Người vợ thứ nhất của nhà vua là một cộng sự trung thành của ông và từng có những đóng góp vĩ đại trong việc gìn giữ ngai vàng cũng như sự giàu sang của ông. Tuy nhiên, ông vua lại không yêu người vợ thứ nhất. Ông luôn khắt khe với bà, không dành cho bà một sự chăm sóc nào, mặc cho bà luôn hướng về ông với một tình yêu sâu sắc.

Một ngày, ông vua ngã bệnh, và ông biết thời gian của ông không còn dài nữa.
Ông đã gọi bốn người vợ đến, và nói: “Ta yêu tất cả các nàng, từng dành cho các nàng những thứ tốt nhất, vật chất và tinh thần, mà ta có. Bây giờ ta chết, các nàng cũng sẽ theo ta, để chúng ta tiếp tục được gắn bó với nhau?”.

“Không có chuyện đó”, người vợ thứ tư đáp trả và bà bỏ đi không một lời thêm nữa. Câu trả lời của người vợ thứ tư như lưỡi dao bén ngọt cứa vào trái tim nhà vua.

Nhà vua buồn rầu hỏi 3 người vợ còn ở lại: “Ta yêu tất cả các bà, những người vợ của ta. Bây giờ ta chết, các bà sẽ theo ta, để chúng ta tiếp tục được gắn bó với nhau?”.

“Không”, người vợ thứ ba đáp, “Cuộc sống đang quá tươi đẹp. Khi chàng chết, em sẽ tái hôn!”. Trái tim nhà vua tan nát.

Còn lại 2 người vợ, người vợ thứ nhất và người vợ thứ hai, nhà vua lại nói: “Chúng ta từng luôn bên nhau, trong cả hoạn nạn lẫn khi hạnh phúc. Bây giờ ta chết, các nàng sẽ theo ta, để chúng ta tiếp tục được gắn bó với nhau?”.

“Xin lỗi, em không thể giúp chàng lần này rồi”, người vợ thứ hai đáp, “Những gì em có thể làm là chôn cất chàng tử tế”. Câu trả lời của người vợ thứ hai bất ngờ như một tiếng sấm bên tai, nhà vua hoàn toàn suy sụp.

Rồi thì, nhà vua nghe một tiếng nói, như vọng từ xa tới: “Em sẽ đi với chàng, dù chàng tới đâu”.

Nhà vua ngước lên, đó là người vợ thứ nhất. Bà đã trở nên gầy gò, bởi bà đã trải qua một cuộc sống thiếu thốn, cả về vật chất lẫn tinh thần. Bà từng bị nhà vua bỏ rơi. Buồn đau và hối hận tột cùng, nhà vua nói: “Ta, đáng lẽ đã phải dành cho nàng một sự chăm sóc tốt hơn…”.

Trong cuộc đời mình, chúng ta ai cũng đều có bốn người bạn đời:
Người bạn đời thứ tư là cơ thể chúng ta. Chúng ta luôn tìm những cách tốt nhất để chăm sóc cơ thể mình, từ ăn đến mặc. Nhưng cơ thể này sẽ bỏ ta đi, khi ta chết.
Người bạn đời thứ ba là tài sản, địa vị và sự giàu sang mà chúng ta có. Khi ta chết, tất cả cũng sẽ không còn ở bên ta mà chuyển sang cho người khác.

Người bạn đời thứ hai là gia đình và bạn bè của chúng ta. Khi ta chết, tất cả những gì tốt nhất họ có thể làm được cho ta là lo phần hậu sự của ta chu đáo.
Tâm hồn – đó chính là người bạn đời thứ nhất của ta.

Tất cả đều quan trọng và đáng trân trọng. Nhưng, tâm hồn chính là tài sản quý giá nhất, là người bạn trung thành nhất của ta và cũng là thứ mà ta luôn cần để tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trong từng thời gian sống để đến khi ta lìa bỏ cõi đời, tâm hồn vẫn luôn tươi mới, trong sáng và nhất là để ta sẽ không có gì phải hối hận.




Cho đi và sẽ được nhận lại

Có hai anh em nhà nọ cùng làm việc trên một nông trại của gia đình. Người anh đã lập gia đình, còn người em vẫn còn độc thân. Mỗi khi kết thúc một ngày làm việc mệt nhọc, hai anh em lại chia đều những gì mình đã làm được trong ngày, cả phần lúa gạo cũng như lợi nhuận.

Một ngày nọ, người em bỗng nghĩ thầm trong bụng: “Thật không công bằng khi chia đôi mọi thứ với anh. Mình chỉ có một thân một mình, có cần gì nhiều đâu cơ chứ!”. Nghĩ thế, nên từ đó trở đi, cứ mỗi tối, anh lại lấy bớt phần thóc của mình, băng qua cánh đồng nhỏ giữa hai nhà và đổ vào kho thóc của người anh.

Trong khi ấy, người anh cũng thầm nghĩ trong lòng: “Thật không công bằng khi mình chia đều mọi thứ với em. Mình đã có vợ, có con, không còn phải lo lắng điều gì nữa, còn em mình chỉ có một mình, đâu có ai để lo cho tương lai”. Và thế là người anh, vào mỗi tối, cũng lấy bớt phần thóc của mình và đổ vào kho của người em.

Cả hai anh em đều rất ngạc nhiên khi lượng thóc của mình vẫn không vơi đi chút nào so với trước đó. Rồi một tối nọ, cả hai anh em va phải nhau trong lúc thực hiện kế hoạch của mình. Và họ đã hiểu ra mọi chuyện. Bỏ rơi bao thóc trên tay, hai anh em xúc động ôm chầm lấy nhau…

Chính những điều chúng ta cho đi sẽ là những gì chúng ta nhận lại !




8 chia 2 bằng mấy?

Trong một lớp học, cô giáo hỏi các em học sinh; “Theo các em, 8 chia cho 2 thì bằng mấy?”

Cả một rừng cánh tay đưa lên “Dạ, thưa cô, 8/2 bằng 4 ạ”.

Duy chỉ có một bạn im lặng và rụt rè; “Thưa cô, em nghĩ khác ạ”.

Mọi người hồi hộp lo sợ cho bạn này vì kiểu gì cũng bị cô giáo mắng hoặc chê.

“Ừ, em nói đi nào!”.

“Theo em, nếu cắt đôi số 8 theo chiều ngang, thì 8/2 bằng 0 ạ. Còn nếu cắt đôi số 8 theo chiều dọc thì 8/2 bằng 3 ạ”.

Cả lớp ồ lên, và cô giáo khen “Em thật giỏi!”, sau đó cô giáo làm động tác lấy 2 bàn tay và giấu ngón cái đi rồi hỏi “Vậy theo em 8/2 bằng mấy?”, cậu bé vui mừng “Dạ, em hiểu rồi, 8/2 bằng 4 ạ”.

Qua câu chuyện vừa rồi, chắc các bạn đã hiểu “mọi con đường đều dẫn đến thành Rome”, nhưng khổ nỗi ngay từ nhỏ chúng ta lại được dạy theo một cách mà ở đó chỉ luôn có một con đường. Vì quá quan tâm đến điểm số và kết quả mà không hiểu lý do vì sao nên chúng ta luôn sợ hãi khi đi tìm một con đường khác, con đường ít người đi.

Nếu bạn muốn tiến xa, bạn phải học cách sống trước! Đó là học cách luôn là chính mình, dám dũng cảm lựa chọn con đường của chính mình, lời giải của chính mình cho tất cả các bài toán cuộc sống.




Câu chuyện về vị thần Điềm đạm

Tích xưa, theo thần thoại Nhật, các vị thần ở trên cõi trời, có một khi cùng tranh nhau quyền bá chủ thế gian. Bất kỳ là vị nào, cũng đều cho mình là quyền lực trên hết tất cả Trời Đất. Các vị thần mới nhất định bầu cử một người làm trọng tài trong cuộc thi chọi, coi ai được làm bá chủ. Vị trọng tài này có trí phán đoán và tính ngay thẳng đặc biệt, lại cũng là người cao tuổi hơn hết.

Trong các vị thần, một vị bước ra nói:
“Các ngài hãy xem đây, sẽ thấy rõ sức mạnh phi thường của tôi như thế nào.”
Tức thời, một ánh sáng chớp lạnh xương, liền theo đó, tiếng sấm nổ vang, làm rung động cả không trung, dường như cả thế gian đều rung rinh sắp đổ. Các vị thần đều tái mặt. Lúc bấy giờ, không còn một ai còn dám nghĩ là mình là người bất khả xâm phạm nữa.

Vị thần Bão tố, bước ra nói:
“Sức mạnh của tôi, còn ghê gớm hơn nữa. Hãy xem dưới kia, cánh đồng mênh mông lặng lẽ…”

Nói vừa dứt lời, bỗng mặt nước biển dâng lên… Ban đầu từ từ… kế đó sóng nổi gió tung… Nước càng dâng, gió càng lớn, sóng càng to… cuồn cuộn ầm ầm… chỉ thấy còn có một vùng nước mênh mông trắng dã… Những ngọn núi cao, sóng đánh lấn riết, không còn thấy mặt… Sóng càng lúc càng cao, gió càng lúc càng lớn… hăm he chìm ngập đến cõi trời… Các vị thần thất sắc, cầu khẩn xin tha… Thần Bão tố vẫy tay một cái: sóng lặn, gió êm… bấy giờ nước biển lao xao, sóng chạy lăn tăn trên bãi cát.

Các vị thần vừa tỉnh trí hoàn hồn, thì nghe có một giọng lảnh lót cất lên:
“Sức mạnh không phải ở nơi sự phô trương của sức bạo tàn, vì nó chỉ có phá hoại mà không tạo lập. Sức mạnh ở cái thuật khuất phục con người và giữ gìn họ ở trong khuất phục ấy bằng ý muốn của họ. Người ta cảm vì sự dịu dàng mà chịu khuất phục chớ không phải vì bị khủng khiếp mà chịu khuất phục”.

Dứt lời, vị thần Âm nhạc lấy ống tiêu… thổi lên một hơi, nhẹ nhàng êm ái như thế nào mà hết thảy các vị thần mê mẩn tâm thần, như ngây, như dại… Tất cả đều như bị sức âm nhạc lôi cuốn vào giấc ngủ thôi miên.

Nhưng có một vị thần… thái độ huyền bí, dường như thản nhiên bất động.
Vị này không thấy sấm sét mà choá mắt.

Sóng bủa, nước dâng cũng không khiến gương mặt trầm tĩnh của ông thay đổi.
Mà tiếng nhạc du dương, thâm trầm, huyền hảo kia cũng không cảm động lòng ông chút nào cả.

Vị trọng tài day qua hỏi:
“Ngài có phải bị mù, điếc gì không?”
“Không. Tôi thấy và tôi nghe.”
“Tại sao Ngài không động lòng. Sấm nổ, nước dâng không làm cho quả tim Ngài dao động lên sao? Nhạc thần, tiêu thánh không làm cho tâm hồn Ngài xao xuyến sao?”
“Ngài lầm! Quả tim tôi cũng đập, tâm hồn tôi cũng xao.”
“Nhưng sao gương mặt Ngài, tôi không thấy lộ vẻ lo sợ hay vui sướng gì cả?”
“Không. Tôi là “Điềm Đạm”. Tôi là kẻ huấn luyện cảm giác tôi, tôi là kẻ đã làm chủ cảm giác tôi rồi. Còn các Ngài, các Ngài chỉ là những người làm tôi mọi nó vì chính các Ngài đã không thể chế trị nó.”

Có ích gì lo đi chế trị sự vật quanh mình, trong lúc mà, một tiếng nhạc tiêu tao cũng đủ làm cho cái tay cầm sấm sét kia phải rụng rời như rũ liệt…

Còn nói đến uy lực nỗi gì, kẻ có tài ảo hoặc người kia, khi thấy nước dâng, nghe sấm nổ, cũng vẫn lao nhao lo sợ như ai…
Các vị thần, cúi mặt làm thinh.

Vị trọng tài nói tiếp:
“Quyền bá chủ, là người này. Sức mạnh thật, nơi tâm hồn điềm tĩnh của người này!”

Hơn cả sự điều khiển sự vật, người này đã khéo léo biết điều khiển tình dục của mình.

Bất kỳ là một thế lực nào, nếu còn bị một thế lực khác đánh ngã, không còn gọi đặng là sức mạnh nữa. Người này không phô trương những thế lực vô ích như thế, rõ là người có sức mạnh trên hết.

Bất kỳ là những ám thị những dẫn dụ nào, cũng không làm nao núng tâm hồn người này đặng. Trái lại, người này đã thấy hết, và đã khéo lợi dụng cả thảy để làm tôi mọi cho mình. Nếu các anh em, tin cậy nơi sự phê phán của tôi, thì tôi xin nói thật: “Vị thần Điềm Đạm này là chúa tể của chúng ta cả thảy”.
Từ đấy đến nay, câu phê phán ấy vẫn không sai giá.




Bán lược cho sư

Cậu bé nhận thấy khu vực mình đang đi giao bán lược thì chỉ có ngôi chùa là nơi tụ tập nhiều người ra vào, cậu liền nghĩ chỉ có thể vào ngôi chùa đó thì mọi người ta mới để ý đến cậu mà có thể bán được lược.

Và cậu ta nghĩ, trong chùa thì chủ yếu là sư, mà sư thì không dùng đến lược , nhưng cậu bán lược vấn nhất định vào ngôi chùa để bán lược, chỉ có vào mới biết có bán được không.

Cậu vào chùa và gặp được sư trụ trì:
- Sư trụ trì ơi người hãy mua lược giúp con
Sư trụ trì thấy làm lạ:
- Nhà ngươi nghĩ gì mà bảo ta mua lược , nhà sư thì làm gì có tóc mà phải dùng lược.
Cậu bán lược nghĩ thấy cũng đúng và quay về. Khi đi qua bờ suối thấy các chú tiểu đang tắm và kỳ lưng cho nhau cậu nảy ra ý tưởng và quay lại gặp sư trụ trì:
- Sư trụ trì ơi hãy mua lược giúp con
- Ta đã nói là không dùng đến lược thì mua làm gì
- Người hãy mua lược cho các nhà sư để khi tắm họ có thể dùng lược mà kỳ lưng cho nhau

Sư trụ trì thấy ý kiến của cậu bán lược rất đúng liền mua cho cậu ta 1 chiếc lược.
Ngày hôm sau, cậu bán lược lại đến tìm sư trụ trì:
- Sư trụ trì ơi hãy mua lược cho con
- Ta đã mua lược cho nhà ngươi rồi sao lại đến
- Thưa sư trụ trì, con thấy mọi người đến chùa đều muốn chỉnh trang lại đầu tóc gọn gàng để vào bái phật, vậy người hãy mua lược để ở những nơi nghỉ ngơi để người đến cầu phật có nơi chỉnh trang lại rồi vào bái phật.

Sư trụ trì nghe vậy thấy có lý liền đồng ý mua cho cậu ta 10 chiếc và để ơ mỗi nơi một chiếc cho du khách tới chùa.

Đến ngày thứ 3, Sư trụ trì lại thấy thấy cậu bán lược:
- Sư trụ trì ơi hãy mua lược cho con
- Lược mới mua đã hỏng ngay đâu mà nhà ngươi lại bảo ta mua lược
Cậu bán lược:
- Xin người hãy nghe con nói, con thấy ngôi chùa có rất nhiều khách đến bái lễ, không chỉ người ở xung quanh đây mà còn ơ khắp nơi tới, vậy tại sao sư trụ trì không mua lược và cho khắc tên chùa trên những cái lược để coi đó la những món quà cho du khách và cũng để quảnh bá ngôi chùa để nhiều người biết đến ngôi chùa này

Từ đó, cậu bán lược chỉ việc cung cấp lược cho nhà chùa, sau này ngôi chùa được nhiều người biết đến với món quà là những chiếc lược.



Bạn là một cái cây cho người khác

Thuở xưa, có một người đàn ông không làm được điều gì to tát cả, không có tiền và chán nản. Một đêm, ông ta cuối cùng không đủ can đảm để sống thêm và đi đến một vực thẳm sửa soạn nhảy xuống.
Trước khi tự tử, ông ta khóc rất lớn và hồi tưởng tất cả những khổ nạn trong suốt cuộc đời của ông ta. Trên một tảng đá cạnh cái vực có một cây nhỏ. Sau khi nghe người đàn ông khóc lóc, kể lể, cái cây cũng khóc vô cùng thảm thiết. Khi người đàn ông thấy cái cây cũng khóc, ông ta hỏi “Cây cũng khóc hả. Có phải cây cũng chịu đựng nhiều đau khổ như tôi không?”

Cái cây nói “Tôi là một cái cây đau khổ nhất trên thế gian. Nhìn tôi đi, sống trên cái tảng đá, chỉ toàn là đá, không có đất để sinh sản và không có nước để uống. Tôi không đủ ăn suốt đời. Hoàn cảnh đau khổ này làm các cành cây của tôi khô đét và không nẩy nở được, vì thế trông tôi rất thảm não từ lúc mới sinh ra. Gốc của tôi rất cạn làm cho tôi không đứng vững trước gió, và không thể chịu nỗi cơn lạnh trong mùa đông. Trông tôi rất yếu so với các cây khác, nhưng thật ra đời sống của tôi còn cực hơn là chết”.

Người đàn ông không thể chịu được nữa vì quá thương hại cho cái cây bèn nói “nếu như vậy thì tại sao bạn không kéo thân ra mà chết chung cho rồi “Cái cây nói “chết thì dễ lắm, tuy nhiên, không có bao nhiêu cây mọc trên vực này cả, tôi không thể chết được”. Người đàn ông không hiểu nổi. Cây nói tiếp “Bạn có thấy có tổ chim trên thân tôi không” Hai con chim vành khuyên làm cái tổ này và chúng đã sống và sanh sôi nẩy nở trên thân tôi. Nếu tôi chết đi, thì hai con chim này sống ở đâu?”

Người đàn ông dường như hiểu được điều gì đó sau khi nghe những lời này, và thối lùi lại cách ra xa vực thẳm.

Thật ra, mỗi chúng ta không chỉ sống riêng cho mình ta. Không cần biết là một con người thấp kém đến đâu, người đó vẫn là một cây to lớn cho mọi người khác.
Thật là kỳ lạ đôi khi chúng ta nghe rằng “con người là những con vật ích kỷ” và “nếu một người mà không sống riêng cho họ, họ sẽ bị trời giết” đã trở thành những luật lệ thông thường mà rất nhiều người sống theo.

Thật ra, cũng có rất nhiều người sống ngược lại. Bạn nhìn chung quanh và tìm thấy rằng:
Nếu một người chỉ sống một mình, càng giàu có, thì ông ta càng lo lắng và càng lộn xộn.
Một người sống vì người khác, mặc dầu nghèo đói, ông ta vẫn có một đời sống vui vẻ và hạnh phúc.
Vậy thì theo bạn đời sống hạnh phúc là gì?



Vàng thật và đồng thau

 Ngày xửa ngày xưa, bên Ai cập có một vị hiền triết tên là Zun-Nun. Ngày kia, một anh thanh niên đến và hỏi ông:
-”Thưa ngài, tôi không biết tại sao những người đáng kính như ngài luôn ăn mặc theo một cách giống nhau và luôn luôn đơn giản như vậy. Chẳng lẽ không cần chưng diện một chút, không phải để khoe khoang, nhưng còn vì mục đích khác nữa chứ, thưa ngài ?”

Nhà hiền triết chỉ cười và cởi chiếc nhẫn ở tay ra, trao cho chàng trai và nói: “Này anh bạn trẻ, ta sẽ trả lời câu hỏi của cậu, nhưng trước tiên câu phải giúp ta việc này đã. Hãy cầm lấy chiếc nhẫn này và đi đến khu chợ bên kia đường, cậu hãy đổi nó lấy một đồng vàng”.

Cầm chiếc nhẫn đen đúa của Zun-Nun trên tay, chàng thanh niên tỏ vẻ nghi ngại: “Một đồng vàng? Tôi không chắc là chiếc nhẫn có thể bán được với giá đó”.

- “Thử trước đã chàng trai, ai biết được điều gì sẽ xảy ra ?”. Chàng trai trẻ phóng nhanh ra chợ. Anh ta đem chiếc nhẫn vào hàng tơ lụa, rau cải, thịt cá và rất nhiều nơi khác. Nhưng sự thực là không ai đồng ý trả cho anh ta với cái giá đó. Anh ta quay về gặp Zun-Nun và nói: “Thưa ngài, không một ai đồng ý bỏ ra một số tiền nhiều hơn một đồng bạc để mua chiếc nhẫn này cả”.

Với một nụ cười nhẹ nhàng trên khuôn mặt trầm tĩnh, nhà hiền triết đáp lời: “Bây giờ anh hãy ra tiệm vàng ở cuối đường, đưa chiếc nhẫn này cho ông chủ. Đừng yêu cầu giá bán, chỉ lắng nghe xem ông ta trả giá bao nhiêu”.

Chàng thanh niên đi đến tiệm vàng theo yêu cầu và sau đó quay về với vẻ mặt khác hẳn. Anh ta nói: “Thưa ngài, những lái buôn ở chợ không biết giá trị của chiếc nhẫn này, người chủ tiệm vàng đã đồng ý mua chiếc nhẫn này với giá một ngàn đồng vàng, và giá trị thật của nó thậm chí còn lớn hơn nhiều”.

Zun-Nun mỉm cười và ôn tồn nói:
“Đó là câu trả lời cho câu hỏi của anh. Không thể đánh giá con người mà chỉ dựa vào cách ăn mặc bên ngoài. Những người lái buôn ở chợ định giá theo kiểu đó. Nhưng những nhà buôn vàng thì không như thế. Vàng và đá quý luôn tồn tại bên trong mỗi con người, chỉ có thể được nhận ra và xác định giá trị nếu anh có thể nhìn thấu tâm hồn”.

Cần có con tim để nhìn vào cả một quá trình dài lâu. Chúng ta không thể ngang nhiên đánh giá người khác chỉ dựa vào những lời lẽ và cách cư xử trong một lúc nào đó. Nhiều lúc cái ta nghĩ là vàng thì hóa ra là đồng thau, những thứ ta tưởng là đồng thau thì lại chính là vàng thật.