Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015


Anh Phùng Hoá



     Xứ Vĩnh Linh thành lập đâu năm 1973. Sau 75, dân Quảng trị tứ xứ lại đổ vào thêm, quây quần trong một vùng gồm 4 thôn với tất cả địa danh mang từ quê gốc Quảng Trị vào: Hiền Luơng, Thuỷ Ba, Cửa Tùng, Triệu Hải. Một vùng nho nhỏ quy tụ lắm người tài: Hội hoạ, văn chương, âm nhạc, … đều có mặt.

    Anh Hoá không phải là người thành danh như cụ gì giỏi nhạc và giỏi đàn ở Cửa Tùng. Hay tài hoa như anh Nghiêm hoạ sĩ, từng học trường Mỹ Thuật Huế.. Nhưng ảnh để lại trong tuổi thơ của mình dấu ấn đậm nét nhất.

    Dạo đó mình ở sát trụ sở thôn Hiền Luơng. Hay có họp hành thanh niên, rất vui. Anh Hoá thường hay sang trụ sở tán láo. Cả phòng chỉ có một bàn một ghế. Ảnh ngồi ghế, hoa tay, tán chuyện tàu ngầm với "tiềm thuỷ đỉnh". Tàu ngầm thì nghe nói từ trước nhưng chữ sau thì học từ anh Hoá. Đọc lên nghe thật sang trọng làm sao.

    Lớn chút nữa thì vào học giáo lý. Anh Hoá cũng là người có mặt thường xuyên chổ cha Hiệu vào mỗi cuối tuần. Nhà xứ và Cha Hiệu là nơi quy tụ "tinh hoa" của xã. Các anh chị là người giỏi âm nhạc và văn thơ.

    Nghe mấy anh lớn nói nhạc của anh Hoá sáng tác nghiêng về Trịnh Công Sơn. Còn nhạc của anh Cẩn (một gạo cội khác ở chỗ cha Hiệu) thiên về Phạm Duy. Nghe mà cứ thấy như mình sắp gặp hai nhạc sĩ thiên tài kia ngay tại xứ VL mình.

    Ngoài tài về nhạc lý, anh Hoá có tài cải lý. Cứ sau mỗi câu lập luận lại chêm một câu doạ già "cỡ mày không thể cải lý với tao được". Nhiều anh chưa cải cũng đã thấy ngán ảnh.

    Nghe ảnh kể chuyện đi thanh niên xung phong hay gì gì đó. Ảnh sáng tác bài "Sông Lô" (?), lên sân khấu ôm guitar trình tấu. Mấy cô ngồi dưới mê tít thò lò. Nghe nói ảnh còn lãnh giải nhất gì đó nữa. Quá đã!

    Đang ngây ngất với thần tượng của mình thì một hôm nghe cậu mình nói với mấy anh bạn là Phùng Hoá cua gái rất dỡ. Cua đâu trật đó. Tài năng có thừa, mặt mũi cũng được, mà sao các cô cứ chê, mới lạ.

    Sau câu nói đó, ra đường gặp mặt anh Hoá là cứ thấy xấu hổ làm sao ý. Nhìn ảnh cứ thấy như bị sứt đi một cục thần tượng to lắm. Tài thì gái phải chạy theo mê mẫn chứ cứ bị con gái chê là làm sao? Cứ cái điệu này e mình mất thần tượng. Cho nên cứ ngày đêm cầu cho ảnh mau có bồ.

    Rồi nghe tin anh Hoá lên cua chị Cúc. Cha là mừng hè! Phen này mình sắp thu về cái cục mẻ thần tượng đó rồi. Có rứa mô nữa nà!

    Chị Cúc đẹp dáng đẹp mặt, giỏi chuyện buôn bán, anh Hoá mà sa vào được đám đó thì phước quá rồi. Nhà chị Cúc ở xeo xéo trước nhà mình. Chị đi ra chợ thì băng ngang vườn nhà mình.

    Một hôm gặp chị đi ngang, mình nói "Chà, anh Hoá đẹp trai chị hè". Chị cười khỉnh một cái, nói: "mày kiếm khắp Vĩnh Linh này có ông nào xấu trai hơn anh Hoá của mày, tao cho mày kẹo". Mình chưng hững. Đồng ý ảnh không đẹp trai nhưng "nhan sắc" hơn một nữa số thanh niên trong vùng. Vậy mà chị chê ảnh xấu nhất VL, làm mình cụt hứng.

    Vài hôm sau lại nghe tiếng guitar bập bùng bên nhà chị Cúc. Anh Hoá đang ca bài "Cúc Vàng" do ảnh sáng tác. Lời nhạc tha thiết lắm, nhưng đến điệp khúc "Cúc Vàng" lần thứ ba thì nghe chị nạt mấy đứa em: "Gái mô, răng không mang nước ra mới anh Hoá". Đang say sưa mà nghe tiếng nạt, anh Hoá im bặt. Biết thân biết phận rồi ấy chứ, hehe.

    Hôm sau gặp chị Cúc mình nói: "Anh Hoá đàn hay, hát giỏi, tài đến mức có thể sáng tác nhạc riêng cho chị. Thích quá!" Chị bảo, "Ừ, đàn hát cho hay đi, rước của ấy về để đói treo mỏ à". Cha chả cái chị này, chê gì mà chê ác rứa.

    Vài hôm sau lại nghe giọng anh Hoá cất lên bài "Cúc Tím". Lời ca hết sức trử tình. Nhưng chưa hết hai câu thì nghe chị Cúc đập quạt phành phạch miêng la to "Muỗi mô mà nhiều vậy không biết". Thế là "Cúc Tím" thành cúc héo. Bất thành!

    Cứ vài tuần lại thấy anh đổi màu cho hoa Cúc của ảnh bằng một bản nhạc mới tinh do anh sáng tác. Cúc đổi từ màu "Cúc đỏ" sang "Cúc trắng", rồi "Cúc lam",..., chả ăn thua. Chỉ tội mấy con muỗi, mỗi lần Cúc đổi màu là thêm một mớ bị chết oan.

    Đã nghĩ hết màu cho hoa Cúc mà vẫn chưa trúng ý trung nhân. Một hôm ảnh ngồi tư lự rồi vô tình cất tiếng hát "cúc cù, cúc cù, chim rừng ca trong nắng. Im nghe, im nghe, ve rừng ca liên miên". Chị Cúc nghe tới đó thì đập quạt nói "Cúc cù là cái gì? Phải nói là Cúc Cu mới đúng".

    Anh Hoá giật mình định cải. Nhưng anh sực nhớ ra nghĩa vụ cao cả của mình là đang cua gái, nên cười cầu tài rồi nói "Ui, Cúc đúng là có đầu óc nhận xét sắc sảo. Anh đồng ý. Tay nhạc sĩ kia chỉ được cái giỏi sáng tác toàn lời vô lý. Anh sẽ sửa ngay lập tức". Nói xong là nắn dây đàn hát "Cúc Cu, Cúc cu…" to, rỏ.

    Chị Cúc che miệng cười, "Có rứa mô nữa nà!". Cu thì chị hiểu. Nghe thích nữa.
    Một năm sau thì muỗi hết chết oan nhưng lần này gà heo chết nhiều. Đám cưới mà, cũng rinh rang lắm.

    Năm sau chị lãnh một cái bụng. Nặng nề, mệt mỏi, nhiều khi chị hận anh sao anh ham vui chi lắm để giờ chị phải khổ thế này. Có bữa chị kêu anh lại bảo ngồi xuống ngẩng mặt lên. Anh tưởng chị định thơm vào cái miệng đầy mùi thuốc lào của anh nên cảm động ngước mặt. Nhắm mắt nữa, coi dễ thưong lắm kia. Chị cúi mặt gần mặt anh, nhón 2 ngón tay kẹp một sơi lông mũi giựt lấy giựt để. Vừa giựt vừa kêu "Cho chừa cái thói ham chơi". Đau chảy nước mắt nước mũi mà anh vẫn cứ ngồi yên chịu trận. Gan thiệt!

    Rồi chị tạm nghĩ ở nhà và anh đi buôn chuyến thay. Chuyến hàng đầu tiên anh đi một mình là buôn nước mắm vào Sài Gòn. Ra QL1 là may sao bắt được xe Campuchia. Xe CPC được mấy cái sướng. Thứ nhất là tài xế đưa bao nhiêu lấy bấy nhiêu, không kèn cựa tiền bạc. Thứ hai là xe chạy nhanh mà không bao giờ sợ bị chặn lại kiểm soát.

    Xe chạy một đổi, thấy tay tài xế trẻ có vẽ dể dãi, anh muốn gợi chuyện mà không biết nói gì cho nó hiểu bèn hát "Cùng tắm dòng sông Mêkong, cùng chung mối thù đế quốc,...., Việt Nam Campuchia tay cầm tay Samaki". Tay tài xế đang dõng tai nghe mà không hiểu gì, chợt nghe chữ samaki hiểu được thích quá. Đang đưa xe qua ổ gà, thả chân ga rồi mà quên cả đạp thắng. Cabin xe nhảy chồm lên mới giật mình đạp thắng. Theo phản xạ tự nhiên anh Hoá lại đưa tay đập đập miệng hô "chậm lại, chậm lại". Tay CPC thấy anh dập dập bàn tay tưởng anh bảo nhấn ga bèn cười, nghĩ tay này chịu chơi. Ừ thì nhấn, xe chi của hắn mà lo. Chiếc xe không chở hàng nhẹ tưng, nhảy lên, muốn vở tung mấy thùng nước mắm.

    Anh Hoá khổ sở xì xồ với thằng tài xế. Một hồi nó cũng hiểu và nhoẻn miệng cười. Lát sau tới gần chổ ổ gà, nó cười chỉ vào đó hỏi "Samaki?". Ý là chọc anh coi có còn muốn bay qua ổ gà nữa không? Anh quạu mặt lầm bầm chửi "Mã cha mi thì có".  (Samaki là đoàn kết)

    Lấy vợ rồi, chuyện nhà cửa, buôn bán, con cái ... tưởng anh bỏ bê chuyện làng xóm, nhưng không. Noel nào cũng nghe nói có mấy tiết mục múa là của anh. Múa "Canh Thức", múa Thiên Thần, cứ màn múa nào khó nhất cần nhiều nghệ thuật nhất là phải vào tay anh mới xong. Không tin hỏi cô Yến (mụ Châu), hay Thuỷ (chú Bình). Mấy cô múa sao mà mềm mại, không còn biết đâu là cổ tay đâu là cánh tay, bàn tay, vì toàn cánh tay như là một dãi lụa mềm. Cứ phục anh Hoá, không biết anh nắn làm sao tập được dẻo, hay như vậy. Nên nhớ những màn múa này đều do anh sáng tác cả.

    Còn có tiết mục anh ôm đàn đệm cho Yến hát, vừa đi bè vài đoạn: "Ngài đã đến trong một mùa đông, trong âm u, trong tối tăm lạnh lùng, ..." Hay rụng rời!

    Năm tháng đẩy đưa, ai cũng vậy, khi tuổi đời phình lên thì chổ giành cho thần tượng cũng nhỏ lại. Mình ít còn thần tượng ai, nhưng cảm tình với ảnh thì dường như còn nguyên.

    Cảm tình ấy còn nguyên, cũng là nhờ công chị Cúc. Phải nói, người đàn bà có sức cảm hoá rất cao. Thiếu vợ chắc giờ này anh Hoá cũng chỉ là người lêu bêu với cây đàn mà chẳng được mấy tích sự. Có vợ anh có tất cả: Hạnh phúc, giỏi giang, thành đạt. Giờ này chắc anh có cháu rồi. Không biết con cháu anh có đứa nào lãnh hội một ít khả năng nghệ thuật của ảnh không.


Nguyễn Ý Nhi