Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Tin tức - Giáo Hoàng Francis

Hồng y Argentina trở thành Giáo Hoàng



Hồng y Jorge Mario Bergoglio, đến từ Argentina, được bầu làm người đứng đầu Giáo hội Công giáo gồm 1,2 tỷ tín đồ. Đây là vị Giáo hoàng đầu tiên từ Mỹ Latin trong lịch sử.


Khói trắng bốc lên từ ống khói trên Nhà nguyện Sistine ngay sau 7 giờ tối qua theo giờ địa phương (tức 1h sáng nay Hà Nội). Hồng y Argentina Jorge Mario Bergoglio được chọn làm Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo có lịch sử hơn 2.000 năm. Ông Jorge Mario Bergoglio, 76 tuổi, từng là Tổng giám mục Buenos Aires, sẽ được gọi là Giáo hoàng Francis I.

Đám đông tại Quảng trường St. Peter đã reo hò, trong lúc những tiếng chuông từ nhà thờ cùng tên ngân vang sau khi cuộc họp kín của 115 Hồng y có kết quả cuối cùng. Họ hô vang "Habemus Papam" ("Chúng ta có Giáo hoàng!") khi cùng nhau chờ đợi, với những lá quốc kỳ của các nước trên khắp thế giới.

Không lâu sau khi được chính thức thông báo, Giáo hoàng Francis I đã xuất hiện trên ban công Nhà thờ St. Peter, trước sự chứng kiến của hàng chục nghìn giáo dân tại Quảng trường St. Peter. Ông trở thành Giáo hoàng người Mỹ Latin đầu tiên trong lịch sử công giáo.

Trong bài phát biểu đầu tiên, Giáo hoàng Francis I kêu gọi sự đoàn kết trong Giáo hội La Mã và cầu nguyện cho "giáo hoàng danh dự" Benedict XVI. Ông cũng cho biết các Hồng y đã "đến đầu kia của thế giới" để chọn ra Giáo hoàng mới.

Theo phát ngôn viên Vatican, Federico Lombardi, Giáo hoàng Francis I đã gọi cho người tiền nhiệm Benedict XVI và dự kiến gặp ông. Lombardi cho biết vị tân Giáo hoàng sẽ thực hiện buổi cầu nguyện kinh Angelus tại Quảng trường St. Peter vào Chủ nhật này.

Vatican cũng hoan nghênh "sự dũng cảm" của các Hồng y khi bầu chọn Giáo hoàng người Mỹ Latin đầu tiên tại mật nghị lịch sử ở Nhà nguyện Sistine. Các Hồng y "đã dũng cảm vượt qua Đại dương và mở rộng góc nhìn của Giáo hội", Lombardi nói.

                                                                                                                   Theo VnExpress




Giáo Hoàng Francis 1 – sự lựa chọn bất ngờ

Hồng y Jorge Mario Bergoglio không phải là cái tên nổi bật trước khi mật nghị bầu Giáo Hoàng diễn ra, dù ông từng về nhì trong lần bầu giáo hoàng năm 2005.


Trước khi Mật nghị Hồng y diễn ra tại Vatican, giới truyền thông đã đề cập tới những ứng cử viên sáng giá nhất cho ngôi vị giáo hoàng. Họ nhắc tới nhiều cái tên, như hồng y Angelo Scola (Italy), hồng y Odilo Pedro Scherer (Brazil), hồng y Marc Ouellet (Canada). Hầu như không ai để ý tới hồng y Jorge Mario Bergoglio.

Song mật nghị hồng y lần này không diễn ra giống như những mật nghị trước, do những gương mặt nổi bật nhất đều không được lựa chọn. Hồng y Bergoglio được chọn do đa số Hồng y ủng hộ quan điểm bảo thủ của cựu giáo hoàng Benedict XVI, người luôn cố gắng giữ gìn và duy trì các giá trị chính thống trong Tòa thánh từ năm 1982. Ngoài ra, cũng có thể các hồng y cảm phục lòng trắc ẩn của ông trước các vấn đề như nghèo đói, tác động của toàn cầu hóa cũng như sự trung thành của ông với các điều răn của Giáo hội.

Giống như người tiền nhiệm là giáo hoàng Benedict XVI, Đức Thánh cha Francis được coi là người mang tư tưởng thần học chính thống và bảo thủ trong các vấn đề xã hội. Ông phản đối luật hôn nhân đồng tính ở Argentina, đề cao vai trò của gia đình và đồng cảm với người nghèo. Trong Giáo hội, ông được coi là bậc thầy trong nghệ thuật hoà giải để giải quyết nhiều mối bất hoà và vụ tai tiếng liên quan đến gian lận tài chính, lạm dụng tình dục trẻ em mà Vatican đối mặt trong những năm gần đây, Christian Science Monitor đưa tin.

"Do hơn 100 Hồng y tham gia Mật nghị đều do giáo hoàng John Paul hoặc giáo hoàng Benedict, hai người ủng hộ các giá trị chính thống, bổ nhiệm nên xung đột về tư tưởng không thể tồn tại trong Tòa thánh. Trong tương lai, gần như chắc chắn Vatican sẽ không hủy các lệnh cấm phá thai, hôn nhân đồng giới và thụ phong phụ nữ làm linh mục", John Allen, một chuyên gia của tờ National Catholic Reporter, bình luận.

Lối sống giản dị tới mức khắc khổ và bản tính khiêm nhường là điểm nổi bật của Giáo hoàng Francis. Sau khi trở thành người đứng đầu nhà thờ Argentina năm 2001, ông chưa bao giờ sống trong một tòa nhà tráng lệ của Giáo hội. Thay vào đó, ông chọn căn hộ nhỏ trong một chung cư, nơi ông phải giữ một lò sưởi nhỏ để phòng khi hệ thống sưởi của tòa nhà không hoạt động vào những dịp cuối tuần. Vị tổng giám mục Argentina thường xuyên di chuyển bằng xe buýt và tự nấu nướng.

Báo La Nacion của Argentina viết rằng, khi Hồng y Bergoglio tới Rome, ông không muốn mọi người biết ông là một Hồng y. Vì thế ông thường xuyên mặc áo chùng đen. Ngoài ra, khi được thụ phong chức Hồng y, Bergoglio quyết định ông sẽ không mua bộ trang phục mới. Thay vào đó, ông yêu cầu những người giúp việc sửa lại trang phục của Hồng y tiền nhiệm để nó vừa với thân hình ông. Trong cuộc họp của các Hồng y tại Rome, ông thường ngồi ở hàng ghế cuối vì không muốn gây sự chú ý.

Với việc lấy tên hiệu là Francis, trùng tên với vị thánh bảo hộ St. Francis của thành Assisi của người Italy, tân giáo hoàng khiến các tín đồ liên hệ ông với vị thánh của thế kỷ 13, người đã kêu gọi tái thiết tinh thần giản dị của nhà thờ và cống hiến cả cuộc đời cho các chuyến đi để truyền đạo.

Giáo hoàng Francis chưa từng giữ bất kỳ chức vụ cao cấp nào tại Tòa thánh trước đây. Thực tế này có thể khiến ông gặp khó khăn trong nỗ lực cải cách giáo triều.

Theo Việt Linh
VnExpress.net

Giáo hoàng Francis giản dị và dễ gần

Hồng y Argentina Jorge Bergoglio, Giáo hoàng đầu tiên đến từ Nam Mỹ, luôn giữ những thói quen giản dị và khổ hạnh dù là Tổng giám mục. Ông đi xe buýt công cộng, tự làm đồ ăn và nổi tiếng là người dễ gần

Hồng y Argentina Jorge Mario Bergoglio, 76 tuổi, người vừa được bầu là người lãnh đạo Giáo hội Công giáo La Mã, xuất thân từ một gia đình công nhân và ông được đánh giá là linh mục luôn trung thành với nguồn gốc xuất thân lao động của mình. Ông sống trong một căn hộ nhỏ chứ không phải là cung điện.
Sau khi được hồng y đoàn bầu lên, Hồng y Bergoglio lựa chọn danh xưng là Giáo hoàng Francis. Đây là lần đầu tiên tên thánh Francis được chọn và được xem như một sự lựa chọn phi truyền thống khi vinh danh một vị thánh nổi tiếng là một người có cuộc sống đơn giản.

"Ông ấy là một thầy tu thân thiện, gần gũi với mọi người. Ông ấy chọn tên Thánh Francis của thành Assisi, người có công cải cách nhà thờ và là một người khiêm nhường, nghèo khó nhưng mong muốn đối thoại", Gustavo Boquin, cựu phát ngôn viên của ông cho biết.

Giáo hoàng Francis được ghi nhận là một nhà tư tưởng chủ đạo ở Argentina, trong khi Dòng Tên, một dòng tu đặc biệt của Công giáo La Mã mang tên Chúa Jesus, được ca ngợi là một trong những Giáo hội tiến bộ nhất, đặc biệt là về giáo dục.

Sergio Rubin, một nhà văn địa phương viết cho tờ Clarin ở Buenos Aires, nói rằng giống như Giáo hoàng John Paul II quá cố, Hồng y Bergoglio là một người "truyền thống về giáo lý nhưng tiến bộ trong các vấn đề xã hội". Ví dụ, ông mạnh mẽ chỉ trích Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chủ nghĩa tư bản thị trường hiện đại.

Những người quen biết mô tả rằng Tổng giám mục Buenos Aires là một người đàn ông hiền từ, 
 ít nói và tránh xa tầng lớp cao trong xã hội. Ông sinh ngày 17/12/1936, trong một gia đình di dân từ Italy. Cha ông là công nhân đường sắt, mẹ là người nội trợ. Ông đi học ở trường công lập trước khi theo học chuyên ngành hóa học.

"Trong phòng xưng tội của Giáo hội San Jose de Flores, khi đó mới 17, ông được Thiên Chúa soi rạng và chọn lựa con đường trở thành linh mục", Cha Gabriel, một người bạn của Giáo hoàng mới, nói với AFP.
Sau khi tốt nghiệp năm 22 tuổi, ông gia nhập Dòng Tên và nhận bằng triết học. Ông theo con đường nghiên cứu thần học và được thụ phong linh mục vào năm 1969. Ông cũng từng học ở Chile, và học ở Đức nhiều năm sau đó.

Các nhà phân tích cho biết việc đến từ Mỹ Latin, trong một gia đình gốc Italy và học tập tại Đức, có thể tạo ưu thế cho Hồng y Bergoglio cuộc họp kín bầu Giáo hoàng, mà nhiều người nghĩ rằng sẽ bầu một người châu Âu.

Ông mới chỉ 36 tuổi khi được bầu làm người đứng đầu Dòng Tên ở Argentina, và gặp nhiều khó khăn suốt 6 năm dưới thời độc tài quân sự của đất nước khi đó.

Ông cũng đấu tranh để ngăn chặn Dòng Tên tham gia phong trào thần học giải phóng, phong trào thu hút nhiều linh mục Công giáo của châu lục vào các hoạt động chính trị đối lập với chính phủ cánh hữu.
Guillermo Marco, một cựu phát ngôn viên khác của ông, nhớ lại rằng ông đưa ra một yêu cầu rất đơn giản: "Duy trì quan điểm phi chính trị của Giáo hội".

Tuy nhiên, cũng có lúc ông quan tâm đến công việc của chính quyền. Ông đánh giá cao quan điểm phản đối nạo phá thai của chính phủ của nữ tổng thống Cristina Kirchner, tuy nhiên lại trái ngược với bà trong vấn đề hôn nhân đồng tính.

Quan điểm thần học của Hồng y Bergoglio phù hợp với định hướng chủ đạo của Giáo hoàng John Paul II, người đã chỉ đạo chiến dịch kiềm chế thuyết thần học giải phóng lan tràn ở Mỹ Latin.

Vào những năm 1980, Hồng y Bergoglio nghiên cứu để lấy bằng tiến sĩ tại Freiburg, Đức, sau khi trở thành một linh mục ở giáo xứ Cordoba.

Ông bắt đầu thăng tiến nhanh trong hệ thống cấp bậc Công giáo từ tháng 5/1992 khi Giáo hoàng John Paul II chỉ định ông làm trợ lý tổng giám mục Buenos Aires. Năm 1998, ông trở thành tổng giám mục và 3 năm sau trở thành Hồng y.

Danh tiếng của ông ngày càng lớn trong số các giám mục sau khi ông đọc bản báo cáo tổng kết trong Hội nghị của Giáo hội tháng 10/2001 khi Tổng giám mục New York Edward Egan không thể thực hiện nhiệm vụ này vì vụ tấn công khủng bố 11/9.

Tân Giáo hoàng thường thức dậy từ 4h30 sáng và được coi là người ít có đời sống xã hội. Ông đi ngủ vào lúc 21h, không giống như những người Argentina thường ăn tối vào lúc 23h00. Tuy nhiên, ông cũng tận hưởng niềm vui như những người dân địa phương với điệu tango và môn bóng đá. Ông từng chụp ảnh với lá cờ màu xanh da trời và màu đỏ của câu lạc bộ San Lorenzo mà ông yêu thích từ năm 1946 khi còn là chàng trai trẻ.

Một số phương tiện truyền thông cho rằng trong cuộc bầu chọn Giáo hoàng năm 2005, Hồng y Bergoglio là người xếp vị trí thứ hai, theo sát nút Hồng y Joseph Ratzinger, tức Giáo hoàng Benedict XVI.

Vũ Hà (theo AFP)

Bóng Tà Lua tổng hợp theo VnExpress.net

Video Đức Thánh Cha Benedict XVI  rời Vatican



Không có nhận xét nào: