Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Bài học cuộc sống 2



Bơ và những viên đá cuội

Một ngày nọ có chàng trai trẻ vừa buồn vừa khóc, tìm đến Ðức Phật. Ðức Phật hỏi, “Cái gì sai trái đã làm nhà ngươi khóc?”

“Thưa ngài, cha con chết ngày hôm qua.”

“Thì nhà ngươi làm gì được? Ông ấy đã chết rồi, buồn khóc chẳng thể làm ông ấy sống lại.”

“Vâng, thưa ngài, con hiểu điều đó; buồn khóc chẳng thể làm cho cha con trở về với con. Nhưng con đến đây cầu xin ngài một điều: xin ngài hoan hỷ làm một điều gì đó cho người cha quá vãng của con!”

“Vậy ta có thể làm gì giúp cho cha con?”

“Thưa ngài, xin ngài làm một cái gì đó. Ngài là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác, là đấng toàn năng, chắc chắn ngài có thể làm được. Ngài hãy xem, các vị Bà La Môn cúng tế, các thầy ấy phát giấy xá tội, đã cử hành những nghi thức cúng lễ cầu siêu giúp người quá cố. Và nghi thức cúng tế cầu siêu nếu được tổ chức sớm ở đây, thì cánh cửa trên thiên giới sẽ được mở ra sớm và người quá cố sẽ được siêu thăng về nơi đó. Họ sẽ nhận được giấy nhập cảnh. Thưa ngài, ngài là đấng toàn năng, ngài có đầy đủ quyền lực! Nếu ngài chủ tế nghi thức cầu siêu cho cha con, cha con không những nhận được giấy nhập cảnh nơi thiên quốc mà ông ấy sẽ được ở thường trú luôn. Thưa ngài, xin ngài hoan hỷ giúp cha con!”

Biết rằng chàng trai trẻ tràn ngập nỗi đau khổ chắc khó có thể hiểu được những lý lẽ phải trái trong lúc này, nên Ðức Phật đã phải dùng một phương tiện khác giúp cho chàng ta hiểu. Vì thế Phật nói: “Nhà ngươi hãy đi mua hai cái chậu đất nung.” Chàng trẻ tuổi lấy làm sung sướng, nghĩ rằng Ðức Phật đã nhận lời làm lễ cầu siêu cho cha hắn và đã tức tốc đi chợ mua hai cái chậu bằng đất nung.

“Ðược rồi,” Phật nói, “đổ vào chậu thứ nhất đầy đá cuội, chậu thứ hai đầy bơ.” Chàng trẻ tuổi làm y như lời Phật dạy.

“Bây giờ bịt miệng cả hai chậu lại, xong bỏ xuống hồ nước. Chàng trai trẻ làm xong, hai chậu chìm xuống dưới đáy hồ. “Bây giờ” Phật nói, “đem cái gậy ra đây, chọc bể cả hai chậu.” Chàng trai trẻ rất lấy làm sung sướng, nghĩ rằng đức Phật đã cử hành nghi lễ cầu siêu cho cha hắn.

Theo tập quán cổ truyền cổ Ấn Ðộ, khi người cha chết, người con làm lễ hỏa táng. Vào khoảng giữa thời gian thiêu, người con dùng cây gậy thọc và làm vỡ sọ đầu. Cũng theo niềm tin cổ truyền của họ, cho đến khi sọ đầu được mở ra nơi trần gian này thì cánh cửa thiên giới cũng được mở ra. Vì thế chàng trẻ tuổi tự nghĩ là, “Cha ta đã được thiêu đốt ngày hôm qua. Như là một biểu tượng, đức Phật muốn mình làm vỡ các chậu ngày hôm nay!” Chàng cảm thấy sung sướng nhiều với nghi thức này của Ðức Phật.

Chàng trai trẻ đã dùng cây gậy làm bể hai chậu. Lập tức, chậu đựng bơ bị vỡ, bơ nổi lênh láng trên mặt hồ nước. Chậu kia đựng những hòn đá cuội vẫn nằm yên dưới đáy hồ. Rồi Ðức Phật nói, “Chàng trai trẻ, đó là những gì ta đã làm. Bây giờ hãy mời các thầy cúng tế và nói với họ hãy tụng kinh và cầu nguyện: “Hỡi các viên đá cuội, hãy nổi lên, hãy nổi lên! Hỡi bơ ơi, hãy chìm xuống, chìm xuống!” Hãy cho chúng ta xem sự kiện xảy ra.”

“Thưa ngài, ngài nói đùa với con! Không thể nào như thế được, những viên đá cuội nặng hơn nước, chúng chìm xuống đáy. Chúng chẳng thể bao giờ nổi lên được. Ðây là định luật tự nhiên! Và thưa ngài, bơ nhẹ hơn nước, chúng nổi lên mặt nước, chẳng bao giờ có thể chìm xuống được. Ðây là định luật tự nhiên.”

“Chàng trai trẻ , nhà ngươi biết nhiều về định luật tự nhiên, nhưng nhà ngươi đã không hiểu về định luật tự nhiên này. Nếu trong suốt cuộc đời của cha nhà ngươi mà ông ấy đã làm những điều nặng như những viên đá cuội, cha nhà ngươi sẽ bị đọa, ai có thể giúp cha nhà ngươi siêu thoát lên trên được? Và nếu tất cả việc làm của cha ngươi nhẹ như bơ, ông ấy sẽ được siêu thoát; ai có thể đè ông ta xuống được?”

Nếu chúng ta hiểu định luật tự nhiên  và sống theo luật tự nhiên này, chúng ta sẽ vượt thoát khỏi những khổ đau và bất hạnh của cuộc đời.




Cách sống…

Khi tôi nhìn những con đường đầy những bông hoa dại, tôi lo ngại đám cỏ ấy sẽ phá đi mảnh vườn của mình.

Đám trẻ thì lại tìm hái những bông hoa ấy tặng mẹ và vui đùa với những bông cỏ may…

Khi tôi gặp một kẻ say khướt đang mỉm cười, tôi chỉ ngửi thấy mùi rượu và sự kinh tởm , những kẻ khiến tôi phải quay mặt.

Nhưng đám trẻ của tôi thì nhìn và mỉm cười lại với họ.

Khi tôi nghe những đoạn nhạc mà mình thích tôi chẳng để tâm chút gì, chỉ ngồi lì và lắng nghe .

Đám trẻ nhà tôi lại nhún nhảy theo nhịp điệu, hát to lên dù chỉ với những lời mà chúng tự nghĩ ra.

Khi gió thổi qua mặt, tôi thu người lại, bực mình vì chúng làm rối mái tóc của mình và những bước chân thêm khó khăn .

Lũ trẻ thì nhắm mắt lại, dang hai tay như bay lên cùng với chúng, sau đó thì phá lên cười.

Khi tôi gặp một vũng bùn, tôi cố bước qua nhanh, lo sợ chúng sẽ làm bẩn giày và day lên những tấm thảm.

Ŀám trẻ thì ngồi quanh lại, chúng cố xây các đập nước, các dòng sông và nô đùa với những con giun.

Khi cầu nguyện , tôi luôn mong Chúa sẽ ban cho mình nhiều thứ.
Lũ trẻ thì khẽ nói : “Chúa ơi, cám ơn vì đã cho con đồ chơi và nhiều bạn bè. Con cũng chưa muốn lên Thiên đàng với Người vì con nhớ ba và mẹ con lắm!”
Phải chăng chính trẻ con mới là những nguờ chỉ cho chúng ta cách sống, và có lẽ vì thế những thiên thần luôn ở bên chúng.

Và hãy tận hưởng những quà tặng dù nho nhỏ của cuộc sống. Một ngày nào đó, khi nhìn lại bạn sẽ nhận ra rằng đấy mới chính là những khoảnh khắc đích thực của mình!




Câu chuyện của dòng sông

Có một dòng sông rất đẹp chảy qua núi đồi và đồng cỏ xanh tươi. Dòng sông ca hát nhảy nhót tung tăn từ trên núi xuống đồng bằng. Xuống đồng bằng, dòng sông chảy chậm lại, mặt nước trong xanh êm mát. Lúc ấy dòng sông còn trẻ lắm, và dòng sông muốn chảy mau ra biển cả. Dòng sông càng lớn càng đẹp ra, lượn khúc yêu kiều ven đồi và bờ lúa.

Một ngày kia dòng sông chú ý đến sự có mặt của những đám mây trong lòng nước. Mây đủ màu sắc, hình thể, đẹp quá chừng, nên suốt ngày dòng sông cứ miệt mài chạy đuổi theo những đám mây, mong bắt được một đám mây cho riêng mình. Nhưng mây cứ lơ lững từng cao khó mà bắt được, nhất là mây cứ thay hình đổi dạng không ngừng. Vì mây vô thường như vậy nên dòng sông rất đau khổ. Chạy đuổi bắt theo mây thì vui nhưng sau đó thì dòng sông đầy thất vọng, u sầu và tức giận.

Một ngày kia, một cơn gió lớn đi qua, quét sạch mây trên trời. Bầu trời trở nên quang đãng không còn một bóng mây. Dòng sông não nề tuyệt vọng, không còn muốn sống nữa. ” Không còn mây để chạy theo, ta sống để làm gì? ”

Tối hôm đó, lần đầu tiên trong đời, dòng sông quay trở về tiếp xúc với chính mình. Lâu nay dòng sông chỉ đuổi theo những cái bên ngoài mà không bao giờ thấy được chính mình. Tối hôm đó, lần đầu tiên dòng sông nghe tiếng mình khóc, âm thanh sóng vỡ vào bờ. Dòng sông lắng nghe tiếng của mình và khám phá ra một điều rất quan trọng.

Dòng sông nhận ra rằng cái mà lâu nay mình theo đuổi đã nằm sẵn trong lòng mình. Tưởng mây là gì, đâu ngờ mây cũng chỉ là nước. Mây sinh ra từ nước và bây giờ mây trở lại thành nước. Và dòng sông tự bao giờ cũng vẫn là nước như một đám mây.

Sáng hôm sau, khi mặt trời lên cao, dòng sông khám phá ra thêm một điều thật đẹp. Đây là lần đầu tiên dòng sông thấy được bầu trời xanh thẳm. Lâu nay dòng sông chỉ chú ý đến mây , không chú ý đến bầu trời. Bây giờ sông mới hiểu rằng bầu trời là quê hương của các đám mây. Mây luôn luôn thay đổi nhưng bầu trời không bao giờ thay đổi. Và bầu trời cao đã có mặt trong lòng sông tự thuở nào. Cái thấy này đem lại cho dòng sông một nguồn an lạc lớn.

Dòng sông hiểu rằng bao giờ bầu trời xanh còn có mặt, niềm an lạc của dòng sông sẽ mãi mãi vững bền.

Trưa hôm đó, các đám mây lại lục tục trở về nhưng dòng sông không còn có nhu yếu muốn đuổi bắt nữa.

Đám mây nào đi qua, dòng sông cũng thấy đẹp và cũng vẫy tay chào. Dòng sông không còn thấy buồn tủi hay lưu luyến. Bởi đám mây nào cũng là một dòng sông , chẳng còn phải chọn lựa. Một niềm an vui hài hòa đã kết hợp mây và sông.

Tối hôm đó một điều thật tuyệt diệu đã xảy ra. Dòng sông mở rộng lòng đón mặt trăng rằm, mặt nguyệt tròn tròn vành vạch và sáng rực rỡ như một viên bảo châu trong dòng nước trong vắt.

Có một bài kệ miêu tả hình ảnh đẹp đó:
( Bồ tát Thanh Lương nguyệt
Du ư tất cảnh không
Chúng sanh tâm cấu tận
Bồ đề ảnh hiện trung)

Bụt là vầng trăng mát
Đi ngang trời thái không
Hồ tâm chúng sanh lặng
Trăng hiện bóng trong ngần

Dòng sông trong vắt đã làm hiện rõ bóng trăng và trăng đã cùng mây nước dắt tay nhau đi thiền hành về biển cả.

Chẳng có gì phải chạy đuổi theo.

Chỉ cần trở về với mình, trở về với hơi thở và nụ cười, trở về nơi mình ở, nơi có thông reo, chim hót và nắng ban mai.

Còn nơi nào đẹp hơn nữa?




Bốn người bạn đời

Ngày xửa ngày xưa… Có một ông vua giàu có. Ông có bốn người vợ. Ông yêu người vợ thứ tư nhất. Trang phục, trang sức quý nhất; những cử chỉ và lời nói yêu thương nồng thắm nhất, ông đều dành cho người vợ thứ tư này. Ông cũng yêu người vợ thứ ba nhiều lắm và từng đưa bà đi theo trong chuyến vượt dặm xa đến vương quốc kế bên. Tuy nhiên, ông cũng đã mang trong mình một nỗi lo sợ thầm kín: một ngày nào đó bà ấy, người vợ thứ ba này sẽ rời bỏ ông vì một người đàn ông khác.

Ông còn yêu người vợ thứ hai nữa. Bà là người bạn tâm tình tốt nhất của ông, luôn chu đáo với ông và kiên nhẫn ở bên ông trong mọi hoàn cảnh. Bất cứ khi nào có vấn đề khó khăn hay khó xử, trong bất cứ lĩnh vực nào, ông vua chia sẻ với người vợ thứ hai và ông đều tìm được từ bà những lời gợi ý cho một lối thoát.

Người vợ thứ nhất của nhà vua là một cộng sự trung thành của ông và từng có những đóng góp vĩ đại trong việc gìn giữ ngai vàng cũng như sự giàu sang của ông. Tuy nhiên, ông vua lại không yêu người vợ thứ nhất. Ông luôn khắt khe với bà, không dành cho bà một sự chăm sóc nào, mặc cho bà luôn hướng về ông với một tình yêu sâu sắc.

Một ngày, ông vua ngã bệnh, và ông biết thời gian của ông không còn dài nữa.
Ông đã gọi bốn người vợ đến, và nói: “Ta yêu tất cả các nàng, từng dành cho các nàng những thứ tốt nhất, vật chất và tinh thần, mà ta có. Bây giờ ta chết, các nàng cũng sẽ theo ta, để chúng ta tiếp tục được gắn bó với nhau?”.

“Không có chuyện đó”, người vợ thứ tư đáp trả và bà bỏ đi không một lời thêm nữa. Câu trả lời của người vợ thứ tư như lưỡi dao bén ngọt cứa vào trái tim nhà vua.

Nhà vua buồn rầu hỏi 3 người vợ còn ở lại: “Ta yêu tất cả các bà, những người vợ của ta. Bây giờ ta chết, các bà sẽ theo ta, để chúng ta tiếp tục được gắn bó với nhau?”.

“Không”, người vợ thứ ba đáp, “Cuộc sống đang quá tươi đẹp. Khi chàng chết, em sẽ tái hôn!”. Trái tim nhà vua tan nát.

Còn lại 2 người vợ, người vợ thứ nhất và người vợ thứ hai, nhà vua lại nói: “Chúng ta từng luôn bên nhau, trong cả hoạn nạn lẫn khi hạnh phúc. Bây giờ ta chết, các nàng sẽ theo ta, để chúng ta tiếp tục được gắn bó với nhau?”.

“Xin lỗi, em không thể giúp chàng lần này rồi”, người vợ thứ hai đáp, “Những gì em có thể làm là chôn cất chàng tử tế”. Câu trả lời của người vợ thứ hai bất ngờ như một tiếng sấm bên tai, nhà vua hoàn toàn suy sụp.

Rồi thì, nhà vua nghe một tiếng nói, như vọng từ xa tới: “Em sẽ đi với chàng, dù chàng tới đâu”.

Nhà vua ngước lên, đó là người vợ thứ nhất. Bà đã trở nên gầy gò, bởi bà đã trải qua một cuộc sống thiếu thốn, cả về vật chất lẫn tinh thần. Bà từng bị nhà vua bỏ rơi. Buồn đau và hối hận tột cùng, nhà vua nói: “Ta, đáng lẽ đã phải dành cho nàng một sự chăm sóc tốt hơn…”.

Trong cuộc đời mình, chúng ta ai cũng đều có bốn người bạn đời:
Người bạn đời thứ tư là cơ thể chúng ta. Chúng ta luôn tìm những cách tốt nhất để chăm sóc cơ thể mình, từ ăn đến mặc. Nhưng cơ thể này sẽ bỏ ta đi, khi ta chết.
Người bạn đời thứ ba là tài sản, địa vị và sự giàu sang mà chúng ta có. Khi ta chết, tất cả cũng sẽ không còn ở bên ta mà chuyển sang cho người khác.

Người bạn đời thứ hai là gia đình và bạn bè của chúng ta. Khi ta chết, tất cả những gì tốt nhất họ có thể làm được cho ta là lo phần hậu sự của ta chu đáo.
Tâm hồn – đó chính là người bạn đời thứ nhất của ta.

Tất cả đều quan trọng và đáng trân trọng. Nhưng, tâm hồn chính là tài sản quý giá nhất, là người bạn trung thành nhất của ta và cũng là thứ mà ta luôn cần để tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trong từng thời gian sống để đến khi ta lìa bỏ cõi đời, tâm hồn vẫn luôn tươi mới, trong sáng và nhất là để ta sẽ không có gì phải hối hận.




Cho đi và sẽ được nhận lại

Có hai anh em nhà nọ cùng làm việc trên một nông trại của gia đình. Người anh đã lập gia đình, còn người em vẫn còn độc thân. Mỗi khi kết thúc một ngày làm việc mệt nhọc, hai anh em lại chia đều những gì mình đã làm được trong ngày, cả phần lúa gạo cũng như lợi nhuận.

Một ngày nọ, người em bỗng nghĩ thầm trong bụng: “Thật không công bằng khi chia đôi mọi thứ với anh. Mình chỉ có một thân một mình, có cần gì nhiều đâu cơ chứ!”. Nghĩ thế, nên từ đó trở đi, cứ mỗi tối, anh lại lấy bớt phần thóc của mình, băng qua cánh đồng nhỏ giữa hai nhà và đổ vào kho thóc của người anh.

Trong khi ấy, người anh cũng thầm nghĩ trong lòng: “Thật không công bằng khi mình chia đều mọi thứ với em. Mình đã có vợ, có con, không còn phải lo lắng điều gì nữa, còn em mình chỉ có một mình, đâu có ai để lo cho tương lai”. Và thế là người anh, vào mỗi tối, cũng lấy bớt phần thóc của mình và đổ vào kho của người em.

Cả hai anh em đều rất ngạc nhiên khi lượng thóc của mình vẫn không vơi đi chút nào so với trước đó. Rồi một tối nọ, cả hai anh em va phải nhau trong lúc thực hiện kế hoạch của mình. Và họ đã hiểu ra mọi chuyện. Bỏ rơi bao thóc trên tay, hai anh em xúc động ôm chầm lấy nhau…

Chính những điều chúng ta cho đi sẽ là những gì chúng ta nhận lại !




8 chia 2 bằng mấy?

Trong một lớp học, cô giáo hỏi các em học sinh; “Theo các em, 8 chia cho 2 thì bằng mấy?”

Cả một rừng cánh tay đưa lên “Dạ, thưa cô, 8/2 bằng 4 ạ”.

Duy chỉ có một bạn im lặng và rụt rè; “Thưa cô, em nghĩ khác ạ”.

Mọi người hồi hộp lo sợ cho bạn này vì kiểu gì cũng bị cô giáo mắng hoặc chê.

“Ừ, em nói đi nào!”.

“Theo em, nếu cắt đôi số 8 theo chiều ngang, thì 8/2 bằng 0 ạ. Còn nếu cắt đôi số 8 theo chiều dọc thì 8/2 bằng 3 ạ”.

Cả lớp ồ lên, và cô giáo khen “Em thật giỏi!”, sau đó cô giáo làm động tác lấy 2 bàn tay và giấu ngón cái đi rồi hỏi “Vậy theo em 8/2 bằng mấy?”, cậu bé vui mừng “Dạ, em hiểu rồi, 8/2 bằng 4 ạ”.

Qua câu chuyện vừa rồi, chắc các bạn đã hiểu “mọi con đường đều dẫn đến thành Rome”, nhưng khổ nỗi ngay từ nhỏ chúng ta lại được dạy theo một cách mà ở đó chỉ luôn có một con đường. Vì quá quan tâm đến điểm số và kết quả mà không hiểu lý do vì sao nên chúng ta luôn sợ hãi khi đi tìm một con đường khác, con đường ít người đi.

Nếu bạn muốn tiến xa, bạn phải học cách sống trước! Đó là học cách luôn là chính mình, dám dũng cảm lựa chọn con đường của chính mình, lời giải của chính mình cho tất cả các bài toán cuộc sống.




Câu chuyện về vị thần Điềm đạm

Tích xưa, theo thần thoại Nhật, các vị thần ở trên cõi trời, có một khi cùng tranh nhau quyền bá chủ thế gian. Bất kỳ là vị nào, cũng đều cho mình là quyền lực trên hết tất cả Trời Đất. Các vị thần mới nhất định bầu cử một người làm trọng tài trong cuộc thi chọi, coi ai được làm bá chủ. Vị trọng tài này có trí phán đoán và tính ngay thẳng đặc biệt, lại cũng là người cao tuổi hơn hết.

Trong các vị thần, một vị bước ra nói:
“Các ngài hãy xem đây, sẽ thấy rõ sức mạnh phi thường của tôi như thế nào.”
Tức thời, một ánh sáng chớp lạnh xương, liền theo đó, tiếng sấm nổ vang, làm rung động cả không trung, dường như cả thế gian đều rung rinh sắp đổ. Các vị thần đều tái mặt. Lúc bấy giờ, không còn một ai còn dám nghĩ là mình là người bất khả xâm phạm nữa.

Vị thần Bão tố, bước ra nói:
“Sức mạnh của tôi, còn ghê gớm hơn nữa. Hãy xem dưới kia, cánh đồng mênh mông lặng lẽ…”

Nói vừa dứt lời, bỗng mặt nước biển dâng lên… Ban đầu từ từ… kế đó sóng nổi gió tung… Nước càng dâng, gió càng lớn, sóng càng to… cuồn cuộn ầm ầm… chỉ thấy còn có một vùng nước mênh mông trắng dã… Những ngọn núi cao, sóng đánh lấn riết, không còn thấy mặt… Sóng càng lúc càng cao, gió càng lúc càng lớn… hăm he chìm ngập đến cõi trời… Các vị thần thất sắc, cầu khẩn xin tha… Thần Bão tố vẫy tay một cái: sóng lặn, gió êm… bấy giờ nước biển lao xao, sóng chạy lăn tăn trên bãi cát.

Các vị thần vừa tỉnh trí hoàn hồn, thì nghe có một giọng lảnh lót cất lên:
“Sức mạnh không phải ở nơi sự phô trương của sức bạo tàn, vì nó chỉ có phá hoại mà không tạo lập. Sức mạnh ở cái thuật khuất phục con người và giữ gìn họ ở trong khuất phục ấy bằng ý muốn của họ. Người ta cảm vì sự dịu dàng mà chịu khuất phục chớ không phải vì bị khủng khiếp mà chịu khuất phục”.

Dứt lời, vị thần Âm nhạc lấy ống tiêu… thổi lên một hơi, nhẹ nhàng êm ái như thế nào mà hết thảy các vị thần mê mẩn tâm thần, như ngây, như dại… Tất cả đều như bị sức âm nhạc lôi cuốn vào giấc ngủ thôi miên.

Nhưng có một vị thần… thái độ huyền bí, dường như thản nhiên bất động.
Vị này không thấy sấm sét mà choá mắt.

Sóng bủa, nước dâng cũng không khiến gương mặt trầm tĩnh của ông thay đổi.
Mà tiếng nhạc du dương, thâm trầm, huyền hảo kia cũng không cảm động lòng ông chút nào cả.

Vị trọng tài day qua hỏi:
“Ngài có phải bị mù, điếc gì không?”
“Không. Tôi thấy và tôi nghe.”
“Tại sao Ngài không động lòng. Sấm nổ, nước dâng không làm cho quả tim Ngài dao động lên sao? Nhạc thần, tiêu thánh không làm cho tâm hồn Ngài xao xuyến sao?”
“Ngài lầm! Quả tim tôi cũng đập, tâm hồn tôi cũng xao.”
“Nhưng sao gương mặt Ngài, tôi không thấy lộ vẻ lo sợ hay vui sướng gì cả?”
“Không. Tôi là “Điềm Đạm”. Tôi là kẻ huấn luyện cảm giác tôi, tôi là kẻ đã làm chủ cảm giác tôi rồi. Còn các Ngài, các Ngài chỉ là những người làm tôi mọi nó vì chính các Ngài đã không thể chế trị nó.”

Có ích gì lo đi chế trị sự vật quanh mình, trong lúc mà, một tiếng nhạc tiêu tao cũng đủ làm cho cái tay cầm sấm sét kia phải rụng rời như rũ liệt…

Còn nói đến uy lực nỗi gì, kẻ có tài ảo hoặc người kia, khi thấy nước dâng, nghe sấm nổ, cũng vẫn lao nhao lo sợ như ai…
Các vị thần, cúi mặt làm thinh.

Vị trọng tài nói tiếp:
“Quyền bá chủ, là người này. Sức mạnh thật, nơi tâm hồn điềm tĩnh của người này!”

Hơn cả sự điều khiển sự vật, người này đã khéo léo biết điều khiển tình dục của mình.

Bất kỳ là một thế lực nào, nếu còn bị một thế lực khác đánh ngã, không còn gọi đặng là sức mạnh nữa. Người này không phô trương những thế lực vô ích như thế, rõ là người có sức mạnh trên hết.

Bất kỳ là những ám thị những dẫn dụ nào, cũng không làm nao núng tâm hồn người này đặng. Trái lại, người này đã thấy hết, và đã khéo lợi dụng cả thảy để làm tôi mọi cho mình. Nếu các anh em, tin cậy nơi sự phê phán của tôi, thì tôi xin nói thật: “Vị thần Điềm Đạm này là chúa tể của chúng ta cả thảy”.
Từ đấy đến nay, câu phê phán ấy vẫn không sai giá.




Bán lược cho sư

Cậu bé nhận thấy khu vực mình đang đi giao bán lược thì chỉ có ngôi chùa là nơi tụ tập nhiều người ra vào, cậu liền nghĩ chỉ có thể vào ngôi chùa đó thì mọi người ta mới để ý đến cậu mà có thể bán được lược.

Và cậu ta nghĩ, trong chùa thì chủ yếu là sư, mà sư thì không dùng đến lược , nhưng cậu bán lược vấn nhất định vào ngôi chùa để bán lược, chỉ có vào mới biết có bán được không.

Cậu vào chùa và gặp được sư trụ trì:
- Sư trụ trì ơi người hãy mua lược giúp con
Sư trụ trì thấy làm lạ:
- Nhà ngươi nghĩ gì mà bảo ta mua lược , nhà sư thì làm gì có tóc mà phải dùng lược.
Cậu bán lược nghĩ thấy cũng đúng và quay về. Khi đi qua bờ suối thấy các chú tiểu đang tắm và kỳ lưng cho nhau cậu nảy ra ý tưởng và quay lại gặp sư trụ trì:
- Sư trụ trì ơi hãy mua lược giúp con
- Ta đã nói là không dùng đến lược thì mua làm gì
- Người hãy mua lược cho các nhà sư để khi tắm họ có thể dùng lược mà kỳ lưng cho nhau

Sư trụ trì thấy ý kiến của cậu bán lược rất đúng liền mua cho cậu ta 1 chiếc lược.
Ngày hôm sau, cậu bán lược lại đến tìm sư trụ trì:
- Sư trụ trì ơi hãy mua lược cho con
- Ta đã mua lược cho nhà ngươi rồi sao lại đến
- Thưa sư trụ trì, con thấy mọi người đến chùa đều muốn chỉnh trang lại đầu tóc gọn gàng để vào bái phật, vậy người hãy mua lược để ở những nơi nghỉ ngơi để người đến cầu phật có nơi chỉnh trang lại rồi vào bái phật.

Sư trụ trì nghe vậy thấy có lý liền đồng ý mua cho cậu ta 10 chiếc và để ơ mỗi nơi một chiếc cho du khách tới chùa.

Đến ngày thứ 3, Sư trụ trì lại thấy thấy cậu bán lược:
- Sư trụ trì ơi hãy mua lược cho con
- Lược mới mua đã hỏng ngay đâu mà nhà ngươi lại bảo ta mua lược
Cậu bán lược:
- Xin người hãy nghe con nói, con thấy ngôi chùa có rất nhiều khách đến bái lễ, không chỉ người ở xung quanh đây mà còn ơ khắp nơi tới, vậy tại sao sư trụ trì không mua lược và cho khắc tên chùa trên những cái lược để coi đó la những món quà cho du khách và cũng để quảnh bá ngôi chùa để nhiều người biết đến ngôi chùa này

Từ đó, cậu bán lược chỉ việc cung cấp lược cho nhà chùa, sau này ngôi chùa được nhiều người biết đến với món quà là những chiếc lược.



Bạn là một cái cây cho người khác

Thuở xưa, có một người đàn ông không làm được điều gì to tát cả, không có tiền và chán nản. Một đêm, ông ta cuối cùng không đủ can đảm để sống thêm và đi đến một vực thẳm sửa soạn nhảy xuống.
Trước khi tự tử, ông ta khóc rất lớn và hồi tưởng tất cả những khổ nạn trong suốt cuộc đời của ông ta. Trên một tảng đá cạnh cái vực có một cây nhỏ. Sau khi nghe người đàn ông khóc lóc, kể lể, cái cây cũng khóc vô cùng thảm thiết. Khi người đàn ông thấy cái cây cũng khóc, ông ta hỏi “Cây cũng khóc hả. Có phải cây cũng chịu đựng nhiều đau khổ như tôi không?”

Cái cây nói “Tôi là một cái cây đau khổ nhất trên thế gian. Nhìn tôi đi, sống trên cái tảng đá, chỉ toàn là đá, không có đất để sinh sản và không có nước để uống. Tôi không đủ ăn suốt đời. Hoàn cảnh đau khổ này làm các cành cây của tôi khô đét và không nẩy nở được, vì thế trông tôi rất thảm não từ lúc mới sinh ra. Gốc của tôi rất cạn làm cho tôi không đứng vững trước gió, và không thể chịu nỗi cơn lạnh trong mùa đông. Trông tôi rất yếu so với các cây khác, nhưng thật ra đời sống của tôi còn cực hơn là chết”.

Người đàn ông không thể chịu được nữa vì quá thương hại cho cái cây bèn nói “nếu như vậy thì tại sao bạn không kéo thân ra mà chết chung cho rồi “Cái cây nói “chết thì dễ lắm, tuy nhiên, không có bao nhiêu cây mọc trên vực này cả, tôi không thể chết được”. Người đàn ông không hiểu nổi. Cây nói tiếp “Bạn có thấy có tổ chim trên thân tôi không” Hai con chim vành khuyên làm cái tổ này và chúng đã sống và sanh sôi nẩy nở trên thân tôi. Nếu tôi chết đi, thì hai con chim này sống ở đâu?”

Người đàn ông dường như hiểu được điều gì đó sau khi nghe những lời này, và thối lùi lại cách ra xa vực thẳm.

Thật ra, mỗi chúng ta không chỉ sống riêng cho mình ta. Không cần biết là một con người thấp kém đến đâu, người đó vẫn là một cây to lớn cho mọi người khác.
Thật là kỳ lạ đôi khi chúng ta nghe rằng “con người là những con vật ích kỷ” và “nếu một người mà không sống riêng cho họ, họ sẽ bị trời giết” đã trở thành những luật lệ thông thường mà rất nhiều người sống theo.

Thật ra, cũng có rất nhiều người sống ngược lại. Bạn nhìn chung quanh và tìm thấy rằng:
Nếu một người chỉ sống một mình, càng giàu có, thì ông ta càng lo lắng và càng lộn xộn.
Một người sống vì người khác, mặc dầu nghèo đói, ông ta vẫn có một đời sống vui vẻ và hạnh phúc.
Vậy thì theo bạn đời sống hạnh phúc là gì?



Vàng thật và đồng thau

 Ngày xửa ngày xưa, bên Ai cập có một vị hiền triết tên là Zun-Nun. Ngày kia, một anh thanh niên đến và hỏi ông:
-”Thưa ngài, tôi không biết tại sao những người đáng kính như ngài luôn ăn mặc theo một cách giống nhau và luôn luôn đơn giản như vậy. Chẳng lẽ không cần chưng diện một chút, không phải để khoe khoang, nhưng còn vì mục đích khác nữa chứ, thưa ngài ?”

Nhà hiền triết chỉ cười và cởi chiếc nhẫn ở tay ra, trao cho chàng trai và nói: “Này anh bạn trẻ, ta sẽ trả lời câu hỏi của cậu, nhưng trước tiên câu phải giúp ta việc này đã. Hãy cầm lấy chiếc nhẫn này và đi đến khu chợ bên kia đường, cậu hãy đổi nó lấy một đồng vàng”.

Cầm chiếc nhẫn đen đúa của Zun-Nun trên tay, chàng thanh niên tỏ vẻ nghi ngại: “Một đồng vàng? Tôi không chắc là chiếc nhẫn có thể bán được với giá đó”.

- “Thử trước đã chàng trai, ai biết được điều gì sẽ xảy ra ?”. Chàng trai trẻ phóng nhanh ra chợ. Anh ta đem chiếc nhẫn vào hàng tơ lụa, rau cải, thịt cá và rất nhiều nơi khác. Nhưng sự thực là không ai đồng ý trả cho anh ta với cái giá đó. Anh ta quay về gặp Zun-Nun và nói: “Thưa ngài, không một ai đồng ý bỏ ra một số tiền nhiều hơn một đồng bạc để mua chiếc nhẫn này cả”.

Với một nụ cười nhẹ nhàng trên khuôn mặt trầm tĩnh, nhà hiền triết đáp lời: “Bây giờ anh hãy ra tiệm vàng ở cuối đường, đưa chiếc nhẫn này cho ông chủ. Đừng yêu cầu giá bán, chỉ lắng nghe xem ông ta trả giá bao nhiêu”.

Chàng thanh niên đi đến tiệm vàng theo yêu cầu và sau đó quay về với vẻ mặt khác hẳn. Anh ta nói: “Thưa ngài, những lái buôn ở chợ không biết giá trị của chiếc nhẫn này, người chủ tiệm vàng đã đồng ý mua chiếc nhẫn này với giá một ngàn đồng vàng, và giá trị thật của nó thậm chí còn lớn hơn nhiều”.

Zun-Nun mỉm cười và ôn tồn nói:
“Đó là câu trả lời cho câu hỏi của anh. Không thể đánh giá con người mà chỉ dựa vào cách ăn mặc bên ngoài. Những người lái buôn ở chợ định giá theo kiểu đó. Nhưng những nhà buôn vàng thì không như thế. Vàng và đá quý luôn tồn tại bên trong mỗi con người, chỉ có thể được nhận ra và xác định giá trị nếu anh có thể nhìn thấu tâm hồn”.

Cần có con tim để nhìn vào cả một quá trình dài lâu. Chúng ta không thể ngang nhiên đánh giá người khác chỉ dựa vào những lời lẽ và cách cư xử trong một lúc nào đó. Nhiều lúc cái ta nghĩ là vàng thì hóa ra là đồng thau, những thứ ta tưởng là đồng thau thì lại chính là vàng thật.



Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

Thơ tuyển - Tình Quê




Thơ  CAO BÁ QUÁT

Sắp đến quê nhà

Cao cao cây gạo đó
Gốc cỗi ngọn thanh thanh.
Xa xa trông nẻo ấy
Nhà ở bậc cao minh
Trúc dầy che lối hẻm
Cỏ mượt bọc thềm quanh
Ao trong, cá vùng vẫy
Lúa tốt, đồng mông mênh.
Đây xưa nơi dạy học
Đứng ngồi thừa rung rinh.
Thanh nhàn, cam vụng dại
Hư không, ấy chí mình.
Từ đèo bòng danh lợi
Nên xa cách non xanh
Lâu lắm chưa về được
Vì sợ lệnh triều đình.
Bơ phờ nay trở lại
Ấm ức nghĩ sao đành
Sẵn lòng mong hẳn được
Tương lai nào ai tranh?


Thơ QUANG DŨNG

Cố quận

Trăng sáng sân vờn đôi bóng cau
Ngồi đây mà gửi nhớ phương nào
Gió mát long lanh vùng Bắc đẩu
Tiếc hè, ếch nhái rộn bờ ao
Tịch mịch sầu vơi bèo râm ran
Chuối vườn khuya lọt ánh trăng tàn
Người ơi quê cũ đèn hoe ngọn
Tóc bạc trong chừng cổng héo hon
Ngõ trú quanh quanh sân bóng lá
Trăng vàng rơi rắc nẻo nào xưa
Ngõ cũ không mong người trở lại
Mà mùi hoa mộc vẫn thơm đưa
Em ơi, em ơi! Đêm dần vơi
Trong về phương ấy ngóng trong người
Trăng có soi qua đầu tóc bạc
Nẻo chừng cố quận nhớ thương ơi!
Trăng sáng năm năm mùa lại muà
Hạ này vơi lại nhớ thu xưa
Người đi người đi đường quạnh quạnh
Ngày tháng thương vay kẻ đợi chờ.



Thơ ĐẮC TÀI

Về Huế

Ðêm nay ta về thăm Huế
Phố buồn đón bước chân ta.
Chim khuya lặng thầm tiếng hú
Trăng khuya nữa mảnh đợi chờ.

Ðôi vai phủ đầy sương lạnh
Ướt về một thuở xa xôi.
Dáng ai thoáng qua rất vội
Nao lòng như buổi quen nhau.
Ngở ngàng xin hỏi đôi câu
Từ lâu giang hồ lạc bước
Trôi theo dòng đời xuôi ngược
Mải mê quên mất lối về.
Mỉm cười em nghiêng vành nón
Ðáp rằng anh có bâng khuâng
Nẻo xưa người đi bỏ lại
Tương tư một chút bụi trần.
Ðêm nay trở về phố cũ
Ngậm ngùi nhớ những ngày thơ
Ðời sau nhiều năm lưu lạc
Tìm ai hỏi một ngày chờ......(!?) 



Nhớ mẹ

Chợt nghe vọng tiếng ầu ơ
Lòng ta chùng lại tuổi thơ hiện về.
Tỉnh đi em những cơn mê
Ðể nghe thơ thẩn vỗ về tiếng ru.

Ầu ơ ... Trong những chiều Thu
Ðong đưa tiếng võng ai ru dịu dàng.
Bên đời có trẻ đi hoang
Nhặt vài ba chiếc lá vàng cô đơn
Quên đi dăm nỗi tủi hờn
Gởi về cho Mẹ vạn lời nhớ thương.
Giờ chắc tóc mẹ bạc sương !?
Giờ trong mắt mẹ có vương bùi ngùi !?
Giờ rằng biết mẹ còn vui !?
những ngày tịnh độ cuối đời phù vân.
Giờ chắc mẹ đã ân cần
sớm chiều kinh kệ vui thân, vui đời ......
Con đây lòng vẫn ngậm ngùi
Viết dâng về mẹ đôi điều nhớ thương
Bao giờ con hết vấn vương......



Thơ HỒ DZẾNH

Nhớ quê

Ta nhớ màu quê, khát gió quê
Mây ơi ngừng cánh đợi ta về
Cho ta trong lại tầng xanh thẳm
Ngâm lại bài thơ "phương thảo thê..."
Liễu Động Đình thơm chuyện hảo cầu
Tóc thề che mướt gái Tô Châu
Bâng khuâng trăng sáng trờn Viên Hán.
Một dãi Giang Nam nước rợn màu.
Ai hát mà nay gió vẫn thơm
Ai đau non nước não âm đờn
Chiêu Quân nên mãi người cung Hán
Thi tứ tìm đâu nét tủi hờn?
Mây ơi có tạt về phương Bắc
Chầm chậm cho ta gửi mấy lời
Từ thuở ly hương ta vẫn nhớ
Nhưng tình xa lắm gió mây ơi! 


Giữ gìn

Một câu ấy nói lên là lá rụng,
Là mây chìm, là gió sẽ thay xanh,
Là cây tươi sẽ nở nụ trên cành,
Và chim chóc sẽ bồi hồi nghe ngóng.
Anh thấy gió một chiều thu xao động,
Nghe mơ màng vịn nặng mái mây cao.
Trời trở buồn, - ai hiểu nghĩa làm sao ?...
Mây lạc nẻo, tim nghe chừng thất vọng.
Một câu ấy nói lên là rợn sóng
Cả một màu mây kín bốn phương xa
Trên bao lơn của năm tháng sầu qua,
Anh ngậm miệng để chết dần theo Mộng.
Một câu ấy nói lên là tuyệt vọng,
Cây chính mùa, nhưng lá đã quên xanh,
Bướm đương vui nhưng bướm sẽ xa cành
Một câu ấy nói lên là... hết sống! 



Mái lều tranh

Mẹ tôi sống lặng trong làng nhỏ,
Đâu biết thời gian đổi mới rồi;
Lòng vẫn đau buồn thiên vạn cổ,
Nào hay Non nước đã reo vui.
Bồ hôi cứ thấm từng thân áo,
Lưng mãi còng trên lớp bụi đời ;
Mẹ vẫn điềm nhiên trong dáng lão,
Vun trồng mấy luống bắp, khoai tươi.
Ngoài kia Niên thiếu ca Xuân mới,
Trong lũy tre xanh, đời vẫn buồn.
Ai biết để lòng yêu một buổi,
Bay về thăm viếng mái cô thôn?
Bao giờ cho sáng lều tranh nhỏ,
Mẹ Việt-nam mừng nước Việt Nam?
Hay vẫn đau buồn thiên vạn cổ,
Những người không biết ánh vinh quang? 



Thơ  TẾ HANH

Quê bạn

Nghe em kể lể nỗi niềm
Bấy lâu cách trở nhớ niềm cố hương.
Yêu em ta những vấn vương;
Nghĩ quê quán bạn dạ thường ngẩn ngơ.
Mơ màng tin tức ra vô
Mải mê trong tấm bản đồ tìm tên...
- Quê em ở chốn nào em?
Phải nơi nước biếc êm đềm non tươi?
Phải nơi chim hát hoa cười,
Trăng chào gió hỏi? - Đúng rồi, phải không?
Bởi vì đôi mắt em trong
Ngó ta, ta thấy cả lòng sáng choang;
Bởi vì em nói dịu dàng
Lá run thỏ thẻ, suối đàn vuốt ve
Bởi vì trí cạnh, hồn kề
Đời ta tươi thắm, mọi bề nhờ em....



Thơ NGUYỄN BÍNH

Ai về quê cũ ?

Anh về quê cũ : thôn Vân
Sau khi đã biết phong trần ra sao?
Từ nay lại tắm ao đào
Rượu dâu nhà cất, thuốc lào nhà phơi
Giang hồn sót lại mình tôi
Quê người đắng khói, quê người cay men
Nam kỳ rồi lại Cao Miên
Tắm trong một cái biển tiền người ta...
Biển tiền, ôi biển bao la
Mình không bẩn được vẫn là tay không...
Thôn Vân có biếc có hồng
Hồng trong nắng sớm, biếc trong vườn chiều.
Đê cao có đất thả diều
Trời cao lắm lắm có nhiều chim bay
Quả lành nặng trĩu từng cây
Sen đầy ao cá, cá đầy ao sen
Hiu hiu gió quạt giăng đèn
Với dăm trẻ nhỏ thả thuyền ta chơi
Ăn gỏi cá, đánh cờ người
Thần tiên riêng một góc trời thôn Vân.
Ơi thôn Vân, hỡi thôn Vân!
Phương nao, kết dải mây Tần cho ta.
Từ nay khi nhớ quê nhà
Thấy mây Tần biết đó là thôn Vân.
Ơi thôn Vân, hỡi thôn Vân!
Anh em ly tán, lâu dần thành ra
Không còn ai ở lại nhà
Hỏi còn ai nữa? để hoa đầy vườn
Giăng đầy ngõ, gió đầy thôn
Anh về quê cũ có buồn không anh?


Qua nhà

Cái ngày cô chưa có chồng
Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa
Lối này lắm bưởi nhiều hoa...
(Đi vòng để được qua nhà đấy thôi)
Một hôm thấy cô cười cười
Tôi yêu yêu quá nhưng hơi mất lòng
Biết đâu rồi chả nói chòng :
" Làng mình khối đứa phải lòng mình đây! "
Một năm đến lắm là ngày
Mùa thu mùa cốm vào ngay mùa hồng.
Từ ngày cô đi lấy chồng
Gớm sao có một quãng đồng mà xa
Bờ rào cây bưởi không hoa
Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo
Lợn không nuôi, đặc ao bèo
Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn
Giếng thơi mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều. 



Thơ LMT

Biển với riêng tôi

Trông bao la... biển như tinh khiết lắm
Ngút tầm hiểu người... biển vẫn rạng uy danh
Giữa muôn trùng... biển đáng mặt công thần
Thuần trong chát, mặn... hẳn hoi hương tanh, xẵng
Biển trong tôi ngỡ chừng luôn thẳng thắn
Dẫu gợn sóng ập vồ hay cuồng nộ hung hăng
Vùi bao mạng người, giật phăng vạn tin lành
Biển trong tôi vẫn thâm trầm, uyên bác.
Biển gom hết tình tôi vào lòng hủy diệt
Thật dịu dàng ấn huyệt tử vầy ân
Có khi đưa cú đấm trầm kha nháng ngọn sóng thần
Biển tinh túy, khẽ rùng mình thể là... xóa điều nghiệt tận.
Biển của tôi... ngàn đời không ân hận
Dẫu có lỗi lầm... nhân thế vẫn mình tôi
Khóc, cười cùng biển một vài đời..
Trăm năm tôi, vạn đời biển.. rạch ròi điều thua thiệt. 



Thơ KIỀU VĂN

Quê mẹ

Xa quê đã mấy năm rồi
Triền miên giấc mộng, bồi hồi nhớ quê.
Quê tôi lắm núi nhiều khe
Một vùng xanh thắm, bóng tre la đà...
Nhớ quê, nhớ những nếp nhà
Tiếng chày giã nhịp, tiếng gà đầu hiên.
Quê tôi như thể mẹ hiền
Nuôi tôi khôn lớn giữa miền đông quê.
Tình quê day dứt trăm bề
Giục tôi phóng ngựa trở về quê hương.
Ra đi một sớm tinh sương
Về nơi quê mẹ tình thương dạt dào.
Đường quê, muôn cánh hoa đào
Cô em cắt cỏ, má sao ửng hồng?
Ghìm cương bên cánh lúa nồng
Mắt tìm lối cũ, trong lòng xôn xao..



Thơ TRẦN DẠ TỪ

Bài kỉ niệm

Tôi nhớ người thôi hết mùa xuân
Đường đi nghe mắt đã âm thầm
Chân buồn lên đống đôi chiều nắng
Mang lá xanh còng gây tiếc thương

Thủa ấy tôi về ngang đất cũ
Ngày thơ ngây cũng đẹp như hồn
Người đi trên những con đường đó
Lòng cũng lên mùi cỏ mới thơm

Em áo còn bay nhiều ước hẹn
Giấc mơ đời ngọt ví bâng khuâng
Nắm tay dài mãi niềm lưu luyến
Chân chậm dường như đến ngại ngần

Tôi gửi đời tôi trong tóc ấy
Ôm người chưa chắc nổi vòng lưng
Chiếc hôn đầu chết trên vầng trán
Môi đã nghìn năm biết tủi hờn

Tôi nhớ người thôi hết đời tôi
Đường đi không kết nổi câu cười
Buồn hoang đến nửa thời thơ dại
Trong những chiều ai mang áo phơi 




Thơ YẾN LAN

Nhớ làng

Mưa đưa thương nhớ về làng
Mưa làm xa những dặm đàng, bến sông.
Chiều nay mở cửa ra trông
Thấy làng đâu? - chỉ thấy lòng mà thôi
Mưa ơi, thương nhớ bời bời,
Bời bời thương nhớ, mưa ơi, khuất làng
Ở đây nắng bãi võ vàng,
Dừa cao lểnh khểng, cành xoan ngoằn ngoèo.
Con đường thì khuất cheo leo,
Mình đi chỉ bóng cùng theo với mình
Làng tôi gió thổi mênh thênh
Mưa thưa nhè nhẹ, trăng lên dịu dàng
Làng tôi - khôn nói hết làng
Có người cứ mỗi chiều vàng, nhớ tôi. 



Thơ DU TỬ LÊ

Về từ vô vọng

Về tự một dòng sông
Em nồng nàn như biển
Gió cuốn muôn nghìn năm
Lấp chôn tình vô vọng
Về tự một mùa đông
Em rầu rầu sương cỏ
Hồn mưng mưng mây mù
Mắt bơ phờ cõi nhớ
Về tự một ngày mưa
Em não nùng oan khổ
Cây khẳng khiu đợi chờ
Lá một đời héo úa
Về tự một tình đau
Môi ứ tràn máu mặn
Ngực ngậm lời trăm năm
Hồn đìu hiu rũ bóng. 



Thơ HOANG VU

Xóm nhỏ đời tôi

Khi ta về ngang qua xóm nhỏ
Một chút bụi vàng cuối nẻo bâng khuâng.
Hàng dương xanh nghiêng mình bên dòng nước
Khói lam chiều gói trọn mái lều xanh.
Khi ta về vào thăm xóm nhỏ
Dấu rêu mờ còn đó chưa phai.
Ký ức xưa theo bóng đổ dài
Dáng em buồn in hằn trên kỷ niệm.
Và khuya nay ta về thăm xóm nhỏ
Chiếc lá vàng mời gọi bóng hoàng hôn,
Chú dế ca bài hát không hồn
Cho lữ khách tha hương lòng cô quạnh.
Rồi mai đây ta rời xa xóm nhỏ
Kiếp giang hồ phiêu bạt cánh chim.
Xóm năm xưa ta vẫn mãi đi tìm
Mãi mãi biết bao giờ ta gặp lại.