Giá
trị của Thời gian
Có một người rất
keo kiệt, lúc nào cũng chắt bóp chẳng dám ăn tiêu gì. Tích cóp cả đời, anh ta để
dành được cả một gia tài lớn.
Không ngờ một
ngày, Thần Chết đột nhiên xuất hiện đòi đưa anh ta đi. Lúc này anh ta mới nhận
ra mình chưa kịp hưởng thụ chút gì từ số tiền kia. Anh ta bèn nài nỉ:
- Tôi chia một
phần ba tài sản của tôi cho Ngài, chỉ cần cho tôi sống thêm một năm thôi.
- Không được. –
Thần Chết lắc đầu.
- Vậy tôi đưa
Ngài một nửa. Ngài cho tôi nửa năm nữa, được không? – Anh ta tiếp tục van xin.
- Không được. –
Thần Chết vẫn không đồng ý.
Anh ta vội nói:
- Vậy… tôi xin
giao hết của cải cho Ngài. Ngài cho tôi một ngày thôi, được không?
- Không được. –
Thần Chết vừa nói, vừa giơ cao chiếc lưỡi hái trên tay.
Người đàn ông
tuyệt vọng cầu xin Thần Chết lần cuối cùng:
- Thế thì Ngài
cho tôi một phút để viết chúc thư vậy.
Lần này, Thần Chết
gật đầu. Anh run rẩy viết một dòng:
- Xin hãy ghi nhớ:
“Bao nhiều tiền bạc cũng không mua nổi một ngày”.
Bạn thấy đấy,
giá trị của thời gian không nằm ở đồng tiền, giá trị của thời gian nằm ở những
năm tháng chúng ta đang sống hoài hoang phí.
Chúng ta đang
hoang phí thời gian mình có, thời gian mà, đang đếm ngược, đang trừ dần từng
ngày ta bước qua.
Trong khi những
sĩ tử thi đại học đang trong những ngày thi vất vả, khi những người lao động
đang làm việc cật lực trong nhà máy, những cỗ xe, những máy cày đang cật lực
cày kéo trên những cánh đồng, thì chúng ta ngồi đây, một số người than thở vì
tình, một số người khóc lóc cho những chuyện vụn vặt….
Bạn có biết, tuổi
thọ trung bình của người Việt là 70 năm. Nhưng trong 70 năm ấy, có người sống
trọn nhưng không để lại thứ gì cho đời. Có người sống 30 năm nhưng lại để lại tất
thảy những điều tốt đẹp.
Nếu giá trị thời
gian, tiền không đo đếm được, thì giá trị của cuộc đời, thời gian không đo đếm
được.
Mục đích của câu
chuyện này là nhấn mạnh cách sử dụng cuộc sống. Dù cả đời bạn làm việc cật lực
để kiếm tiền, nhưng bạn không biết cách sử dụng chúng cho những điều tốt đẹp,
thời gian cũng là vô ích. Bạn sẽ không để lại điều gì đẹp đẽ cho đời. Khối tài
sản hiện có cũng vô giá trị về mặt tinh thần, bạn ra đi mà không có kỉ niệm
vui, không có những năm tháng hạnh phúc bên người thân, bạn bè, không có những
ngày “lăn lộn” cùng chiến hữu… Đó mới chính là giá trị thực mà không thứ gì mua
được.
Bạn sống 20 năm,
nhưng đối tốt với người thân, bạn bè, làm những việc có ích cho đời, còn hơn sống
70 năm mà sống hoài sống phí. Hoặc một mình cô độc giữ khư khư khối tài sản, hoặc
làm những việc ngốc nghếch tổn hại đến bản thân.
Đứng lên cô gái
yêu đơn phương, cô gái thất tình. Tỉnh lại nào cậu học trò nhỏ uống thuốc tự vẫn.
Cậu còn quá nhiều điều để làm hơn là chết một cách vô vị như vậy. Khóc để làm
gì, thở than để làm gì khi ta còn chưa có những kỉ niệm vui?
Thứ giá trị nhất
mà cuộc sống cho ta là thời gian. Khi còn chưa làm được gì có ích cho đời, thì
cũng đừng làm những điều vô vị.
Bởi đồng tiền
không mua được, nên phải sử dụng chúng một cách hợp lý.
Đừng vì một người,
một vài lời nói, mà làm những điều vô tri, đánh mất thứ quý giá của bản thân.
Chính là thời
gian bạn sống.
Hãy nhớ rằng: Tiền
có thể mua được một chiếc đồng hồ nhưng không mua được thời gian.
Lời
nói dối của Cha
Cha mẹ nó lớn tuổi
mới cưới nhau. Hồi đó, gia đình nghèo khó. Mẹ mất sớm, cha tần tảo nuôi 3 anh
em nó nên người. Nhà gần sông, nhưng cha đau yếu, ít khi có được con cá mà ăn,
mà có được bữa cá đã là thịnh soạn lắm với anh em nó rồi. Nó còn nhớ, mỗi lúc
ăn cá, cha thường bảo: “Để tao ăn đầu và xương”
Nó nhanh nhẩu:
“Tại sao hả cha?”
Cha nó nói vẻ mặt
nghiêm nghị, kiểu răn dạy: “Vì cha già rồi, hay đau đầu, nên ăn đầu thì nó sẽ bớt
đau – cái này gọi là ăn óc bổ óc, hiểu không? Xương yếu, ăn xương thì sẽ cứng
cáp hơn. Có vậy mà cũng không hiểu hả?”
Tâm hồn trẻ con,
nó và hai đứa em đinh ninh là cha nói thật. Mỗi lúc đến bữa ăn, nó còn nhanh nhẩu
sẻ ra từng phần. Bỏ đầu và xương qua cho cha nó. Ba anh em tranh nhau phần thịt.
Có những lúc nó
cũng phân vân, những khi như thế, cha nó lại bảo: “Hồi nhỏ, ông bà nội cho tao
ăn thịt suốt, giờ nhìn thịt là cha thấy ớn quá, sau này lớn các con cũng như
cha thôi.”
Thấm thoắt thoi
đưa, anh em nó lớn lên, và cha nó già đi. Sau này, khi nó đủ hiểu biết mới nhận
ra những lời cha nó nói trước đây là nói dối, thì cũng là lúc đời sống của gia
đình nó khấm khá hơn. Anh em nó có thể thay cha đi đò, đi sông, mò cua, thả cá.
Vì thế mà cha nó
cũng thỉnh thoảng ăn thịt, hay ăn thường xuyên nó cũng chẳng nhớ. Vì tuổi trẻ bồng
bột, không dám – không ngẫm nghĩ nhiều về yêu thương, hay vì cha nó cố tìm cách
cho “lời nói dối” được anh em nó chấp nhận hơn, nó cũng chẳng còn nhớ.
Để đến hôm nay,
khi đã thành đạt, vợ đẹp, con ngoan. Cuộc sống hối hả, vô thường vô tận. Nó
cũng chẳng bao giờ đóai hoài đến cái đầu, hay miếng xương con cá. Vì những thứ
đó đã được vợ nó bỏ đi, chỉ mang phần thịt lên mâm cơm.
Hôm nay là ngày
giỗ lần thứ 10 của cha nó. Nhìn di ảnh ba gầy còm, nhưng nở một nụ cười tươi
sáng. Nhìn con cá chiên to đùng, lấp lánh mỡ mà vợ đặt lên bàn thờ, nó chợt bất
giác rơi lệ. Một cơn đau từ đâu hiện về nhói lòng vô tận.
Nó phải quay mặt
đi để lau hàng lệ, để giấu vợ con. Nhưng nó không thể xóa đi được hình dáng cha
già còm cõi, xiêu vẹo bước đi bên sông, “cha đi thả cá mùa nước nổi”. Rồi sau
đó là những trận thương hàn triền miên hành hạ ông. Nó không thể xóa đi được
cái ý nghĩ “nếu cha ăn nhiều thịt hơn, thì đã không già yếu như thế”. Vừa khấn
vái, nó lại bất giác kêu lên những tiếng “cha” từ trong cổ họng.
Đến lúc ra bàn
ăn. Nhìn vợ đang xẻ thịt con cá, để bỏ đi phần đầu và xương. Nó giữ tay vợ lại:
“Em, để anh ăn đầu, đừng bỏ đi”.
Vợ hiểu. Vợ nó bỏ
đầu cá qua cho chồng. Chỉ có cô con gái nhỏ là thắc mắc “Sao hôm nay ba lại ăn
đầu, nó lắm xương, nó sẽ làm đau ba đấy”.
Nó xoa đầu con
gái, nuốt tiếng nấc đang chầu chực nơi cổ họng vào trong, bảo “Dạo này ba hay
đau đầu, nên ăn đầu sẽ hết đau con gái à, cái này gọi là ăn đầu bổ đầu đấy con
yêu”.
Nó vừa ăn vừa cố
cho những giọt nước mắt không tràn xuống bát cơm.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét