Phép
màu giá bao nhiêu?
Một cô bé tám tuổi
nghe cha mẹ mình nói chuyện về đứa em trai nhỏ. Cô bé chỉ hiểu rằng em mình
đang bị bệnh rất nặng và gia đình cô không còn tiền. Chỉ có một cuộc phẫu thuật
rất tốn kém mới cứu sống được em trai cô bé, và cha mẹ em không tìm ra ai để
vay tiền. Do đó, gia đình em sẽ phải dọn đến một căn nhà nhỏ hơn vì họ không đủ
khả năng tiếp tục ở căn nhà hiện tại sau khi trả tiền bác sĩ.
Cô bé nghe bố
nói với mẹ bằng giọng thì thầm tuyệt vọng: “Chỉ có phép màu mới cứu sống được
Andrew”. Thế là cô bé vào phòng mình, kéo ra một con heo đất được giấu kỹ trong
tủ. Em dốc hết đống tiền lẻ và đếm cẩn thận.
Rồi cô bé lẻn ra
ngoài bằng cửa sau để đến tiệm thuốc gần đó. Em đặt toàn bộ số tiền mình có lên
quầy.
Người bán thuốc
hỏi: “Cháu cần gì?”
Cô bé trả lời:
“Em trai của cháu bệnh rất nặng và cháu muốn mua phép màu.”
- Cháu bảo sao?
– Người bán thuốc hỏi lại.
- Em cháu tên
Andrew. Nó bị một căn bệnh gì đó trong đầu mà ba cháu nói chỉ có phép màu mới cứu
được nó. Phép màu giá bao nhiêu ạ?
- Ở đây không
bán phép màu, cháu à. Chú rất tiếc – Người bán thuốc nở nụ cười buồn và tỏ vẻ cảm
thông với cô bé.
- Cháu có tiền
trả mà. Nếu không đủ, cháu sẽ cố tìm thêm. Chỉ cần cho cháu biết giá bao nhiêu?
Trong cửa hàng
còn có một vị khách ăn mặc thanh lịch. Sau khi nghe câu chuyện, ông cúi xuống hỏi
cô bé: “Em cháu cần loại phép màu gì?”
- Cháu cũng
không biết nữa – Cô bé trả lời, rơm rớm nước mắt. “Nhưng em cháu rất cần phép
màu đó. Nó bị bệnh nặng lắm, mẹ cháu nói rằng nó cần được phẫu thuật, và hình
như phải có thêm loại phép màu gì đó nữa mới cứu được em cháu. Cháu đã lấy ra
toàn bộ số tiền để dành của mình để đi tìm mua phép màu đó.”
- Cháu có bao
nhiêu? – Vị khách hỏi. Cô bé trả lời vừa đủ nghe: “Một đô la mười một xu.”
Người đàn ông mỉm
cười: “Ồ! Vừa đủ cho cái giá của phép màu”.
Một tay ông cầm
tiền của cô bé, tay kia ông nắm tay em và nói: “Dẫn bác về nhà cháu nhé. Bác muốn
gặp em trai và cha mẹ cháu. Để xem bác có loại phép màu mà em cháu cần không.”
Người đàn ông
thanh lịch đó là Bác sĩ Carlton Armstrong, một phẫu thuật gia thần kinh tài
năng. Ca mổ được hoàn thành mà không mất tiền, và không lâu sau Andrew đã có thể
về nhà, khỏe mạnh.
Mẹ cô bé thì thầm:
“Mọi chuyện diễn ra kỳ lạ như có một phép màu. Thật không thể tưởng tượng nổi.
Thật là vô giá!”. Cô bé mỉm cười. Em biết chính xác phép màu giá bao nhiêu. Một
đô la mười một xu, cộng với niềm tin chân thành của một đứa trẻ, và lòng tốt của
người bác sĩ.
Nguyên
liệu và chiếc bánh
Mỗi sự vật, sự
việc xảy ra hàng ngày trong cuộc sống quanh ta đều có lý do riêng và đều chứa đựng
một ý nghĩa sâu xa của riêng nó.
Một cậu bé than
thở với bà nội về đủ thứ chuyện tồi tệ ở lớp học, ở nhà và cả những khó khăn
trong học tập, những chuyện phức tạp, khó khăn khác trong cuộc sống… mà hàng
ngày cậu phải đương đầu.
Trong lúc đó, bà
nội của cậu đang cặm cụi trong bếp để chuẩn bị nướng một chiếc bánh. Bà nội nhờ
cậu bé giúp mình một tay.
- Cháu lấy giùm
bà chai dầu ăn nhé ! – Bà nội nói.
- Vâng! Chai dầu
ăn của bà đây ạ !
- Cháu thấy mùi
vị của nó thế nào ?
- Ôi! Khiếp quá!
Mùi vị gì mà béo ơi là béo !
- Bây giờ cháu lấy
cho bà mấy quả trứng và đập bỏ vào tô rồi quấy đều lên.
Cậu bé nhanh nhẹn
giúp bà.
- Cháu thấy mấy
quả trứng có mùi vị thế nào ?
- Mùi vừa ngậy
ngậy vừa tanh tanh, rất khó ngửi.
- Cháu có thích
nếm thử bột mì không?
- Cháu thấy nó
chẳng có mùi vị gì hấp dẫn cả, lại làm cháu suýt nữa bị sặc.
- Cháu thêm vào
đây cho bà ít muối.
- Bà ơi! Muối
sao mà mặn quá?
- Bây giờ, cháu
rắc vào đây thêm một ít tiêu nữa.
- Mùi tiêu cay nồng
làm cháu chảy cả nước mắt!
- Cháu nói đúng
đấy! Nhưng nếu không có tất cả những thứ nguyên liệu như vừa rồi thì bà cháu
mình không thể nào làm được một chiếc bánh ngon tuyệt như cháu đang thấy đâu!
Vâng, cuộc sống
của chúng ta cũng như vậy! Chắc bạn đã từng rất nhiều lần than phiền về đủ thứ
chuyện khó khăn, những sự vật, sự việc phức tạp mà bạn phải đương đầu hàng
ngày, phải không?
Mỗi sự vật, sự
việc xảy ra hàng ngày trong cuộc sống quanh ta đều có lý do riêng và đều chứa đựng
một ý nghĩa sâu xa của riêng nó. Liệu bạn cứ than trách về chúng hay là bạn biết
sử dụng chúng như những thứ “nguyên liệu” cần thiết để làm nên “chiếc bánh”
ngon tuyệt, tất cả đều tùy thuộc vào chính bạn mà thôi.
Lá thư gởi Mẹ
Mẹ!
Con yêu mẹ. Con yêu mẹ. Và con sẽ sống thật tốt như những gì bà ngoại đã dạy mẹ
để mẹ dạy con. “Sống không quỵ lụy ai, không hài lòng và không giả dối”.
Mẹ kính yêu..!
Giờ này mẹ đã ngủ….
Con viết cho mẹ
khi con đang say. Hôm nay con uống 2 cốc bia mẹ ạ. Con say. Con khóc.
Ngày 20/10 là gì
hả mẹ? Với mẹ chỉ giản đơn là 1 ngày bình thường thôi nhỉ.
Con khóc. Và con
nghĩ về mẹ. Từ khi con hiểu được 20/10 là gì? Con đã làm được những gì cho mẹ.
Ngày cấp 1 con
xin mẹ 2.000 đồng để đóng tiền mua hoa cho cô giáo chủ nhiệm. Đi học về thấy mẹ
đang bán những tạ than đen nhẻm, cái cân phải luồn đòn gánh vào vì chưa có cân
bàn… vai phải mẹ thường đau mỗi tối.
Ngày cấp 2 con
xin mẹ 10.000 đồng để góp tiền mua hoa cho cô, còn mua thiếp hí hoáy cả đêm tô
vẽ, tặng những người bạn con yêu thương. Mẹ nằm trên giường vắt tay lên trán:
“Tháng này bố mày chắc không được nghỉ phép”…
Ngày cấp 3 con
xin mẹ 50.000 đồng, để cùng các bạn trong lớp cắm trại và liên hoan tới tối muộn
mới về. Mẹ đã lau sạch sẽ nhà cửa, mâm cơm tối vẫn còn để gọn gàng thức ăn cho
riêng con. 2 thằng em chành chọe nhau mệt rồi lại ôm nhau ngủ…
Đại học. Con là
cán bộ lớp, con chúc mừng nhiều người lắm, bạn bè, cô giáo, những cô bác con
quen…những ngôn từ dí dỏm và đặc biệt dành riêng từng người. Mẹ điện thoại lên
và nói những điều như ngày nào cũng điện để nói: ” Đi ngủ nhớ mắc màn, tối nhớ
cài cửa thật kỹ, ngủ sớm đi”.
Nhưng…mẹ biết
không, con luôn nghĩ tới mẹ đầu tiên. Con luôn thế. Ngày bé, có lần con làm tặng
mẹ bài thơ nhưng không dám đưa, có lần mua hoa tặng mẹ rồi lại đưa cho đứa bạn
về… cắm. Có lẽ do mình ở quê mẹ nhỉ? Ở quê những bà mẹ đầu tắt mặt tối, chẳng
chồng con nào tổ chức ngày của mẹ.
Con lên thành phố
-Con gặp những
người đàn bà ngang tuổi mẹ. Họ mặc váy và đi dép cao. Họ bước những bước đi uốn
dẻo nhẹ nhàng lịch lãm, không vội vã, tất bật như mẹ. 8h tối họ trang điểm và
đi cafe, mẹ cơm nước, giặt giũ và mắc màn cho chúng con ngủ.
-Con gặp những
người đàn bà ngang tuổi mẹ. Họ nói về mooda, về khiêu vũ, về những chuyến công
tác đi mệt lử nhưng biết nơi này, nơi kia, biết món này món kia. Còn mẹ của
con, khi con điện thoải về hỏi: Mẹ ơi con ghẹ là con gì mẹ nhỉ? có người nói với
con là con ghẹ ăn ngon. Mẹ trả lời: “Mẹ cũng không rõ lắm, hình như nó giống
con hến, con ngao”…Và khi con được biết về con ghẹ. Con khóc.
-Con gặp những
người đàn bà ngang tuổi mẹ. Chồng họ chở đi siêu thị mỗi tuần, và đi mua cho những
bộ quần áo đẹp. Vậy mà những lúc chán chồng, họ đi ra phố phường với đám bạn,
và vào vũ trường, vào cafe. Còn mẹ, mẹ khóc mỗi khi bố làm mẹ buồn. Và mẹ nói với
chúng con: “Chỉ mẹ được nói bố, chúng mày là con dù bố mẹ có sai đến thế nào
cũng không có quyền nói…”.
Mẹ
của con,
Lúc này con nhớ
về tuổi thơ con. Quãng đời con trải qua bên mẹ. Chúng con luôn có mẹ ở bên. Và
bố cũng thế, bố gọi điện thoại mỗi ngày mẹ nhỉ, và bố gặp lần lượt từ mẹ tới 3
đứa con… Bố mỗi tháng về 1 lần. Chúng con lớn lên, đứa nào cũng sáng sủa khôn
ngoan, ai cũng khen mẹ thật giỏi, bố thật may vì có mẹ… Bố con cũng là một người
đàn ông tuyệt vời phải không mẹ. Dẫu đôi lúc bố làm mẹ buồn, nhưng con người có
ai hoàn hảo đâu? Con cũng thấy xấu hổ lắm, khi con, khi em con, chẳng ngoan như
những gì mẹ đã chờ mong.
Mẹ! Mẹ ngủ đi, đừng
thức nữa, sao giấc ngủ mẹ chẳng sâu thế. Sao sau 1 đêm mắt mẹ càng quầng? Sao mẹ
hay ốm đau?
Mẹ! Con yêu mẹ.
Con yêu mẹ. Và con sẽ sống thật tốt như những gì bà ngoại đã dạy mẹ để mẹ dạy
con. “Sống không quỵ lụy ai, không hài lòng và không giả dối”.
Con đã lớn khôn,
con đã trưởng thành, nhưng những tối rúc đầu vào nách mẹ mà ngủ vùi, tới sáng vẫn
dang chân tay trên giường ngon giấc…còn mẹ đã nấu xong bữa sáng. Con bỗng thấy
mình như một công chúa nhỏ, thấy con là người hạnh phúc nhất thế gian, vì tất cả
những gì bố mẹ dành cho chị em con, là những điều con không mong gì hơn thế nữa.
Đêm nay con chúc
mẹ ngủ ngon, và bố ở nơi xa sẽ luôn mơ về mẹ!
Niềm
quên quen thuộc
Tại một khách sạn
sang trọng trong thành phố, anh cho bày một yến tiệc mời mẹ đến. Vì việc này mà
vợ và anh đã không ít lần cãi nhau, vợ nói: nhà đã dư dả gì đâu, lại còn bày vẽ
thêm chuyện?
Anh giải thích: mẹ
vất vả nuôi anh khôn lớn. Kết hôn đã 8 năm, đây là lần đầu tiên mẹ từ quê ra
chơi, anh muốn mẹ yên tâm, cuộc sống của anh không thiếu thốn chi cả.
Vợ không thay đổi
được ý định của anh, đành ấm ức đi đến khách sạn. Trong bữa ăn, vợ không ngừng
gắp thức ăn cho con trai. Tuy ở trong thành phố, nhưng đây là lần đầu tiên thằng
bé mới được ăn những món ngon thế.
Mẹ ăn rất ít,
ánh mắt hiền từ nhìn con cháu, mỉm cười hạnh phúc. Anh nói mẹ ăn nhiều một
chút, mẹ cười nói: “Mẹ già rồi, ăn một chút vào là no”. Nhìn bàn ăn còn đầy,
anh khó chịu bảo mẹ: “Mẹ. Ở khách sạn này có qui định, đồ ăn thừa sẽ bị phạt tiền,
không được gói mang về.”
Vợ ngồi cạnh liếc
anh một cái: bày trò gì đây? Đồ ăn ngon thế này, nếu gói về vẫn có thể cho con
ăn thêm, nó đang tuổi ăn tuổi lớn.
Mẹ nghe vậy, bắt
đầu mới động đũa. Trong mắt anh, đây là lần đầu tiên mẹ ăn được nhiều như thế.
Mẹ đi rồi, vợ lại
muốn tranh luận với anh. Anh bỗng chảy nước mắt nói: “Từ nhỏ tới lớn, trong nhà
có đồ gì ăn ngon, mẹ đều không dám ăn mà dành hết cả phần mình đến bữa sau cho
mấy đứa con.
Đã nhiều năm
trôi qua, thói quen ấy của mẹ vẫn không thay đổi. Anh luôn có một ước muốn, muốn
mẹ được ăn đồ ăn ngon, thay đổi khẩu vị, ăn nhiều một bữa, đâu ngờ chỉ có một lần.
Nếu hôm nay anh không nói dối, mẹ nhất định sẽ không động đũa nữa…..”
Anh chưa kịp nói
xong, vợ đã rơi lệ. Vợ nhớ đến mẹ mình, cũng chẳng như vậy sao? Ngày hôm nay, vợ
cũng đã làm mẹ, mỗi ngày đều vô tư dành hết tình mẫu tử cho con, vậy mà tình mẫu
tử mẹ dành cho vợ, vợ hình như đã quên mất…..
Sưu
tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét