Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

NỢ ÂN TÌNH

Chắc chắn dân Vĩnh Linh CR không lạ gì "Chiêu Hạ". Chẳng cần nói gì nhiều về cách sống "dấn thân" của một tu sĩ rất đời " muốn làm thánh phải làm người rất người...". 
HĐHVLCR xin trích một số bài trong "Đi Và Sống" của Ngài với mong muốn:
- Nhớ về một thuở... đầy trở trăn của vùng đất lúa núi...
- Hiểu thêm những gì từ một nhân cách "Cho" nhiều hơn "Nhận" của một cuộc "Dấn thân Thập tự" đầy cao quý.

Hy vọng được quý Đồng hương tiếp nhận và góp chuyện...

NỢ ÂN TÌNH
Chiêu Hạ



Tết Mậu Thân, năm 1968, gia đình tôi từ Tây Lộc chạy tản cư về Tây Linh, một giáo xứ cạnh đồn Mang Cá trong thành nội Huế. Tây Lộc và Tây Linh giáp ranh nhau. Hằng ngày, ra đứng trước cổng nhà thờ Tây Linh nhìn đoàn quân rút lui từ Tây Lộc đi qua trước mặt, trên ba-lô họ toàn là máy móc, gà vịt…tài sản của dân Tây Lộc, tôi không hiểu nổi tại sao quân ta lại đi cướp bóc của dân mình? Tôi đã đọc truyện “Chiến Tranh và Hòa Bình” của Lép-Tôn-Xì-Tôi (Lev Nicolaevitr Tolstoi) nhiều lần, nhưng không hiểu được bài học: đoàn quân rút lui là hôi của!...

Vào một buổi sáng, như thường lệ, tôi đang đứng trước cổng nhà thờ, mặc chiếc áo thâm chùng, nhìn đoàn quân đang rút về. Bỗng một tiếng nổ lớn, quả pháo rơi xuống sân banh nhà thờ, tôi vẫn đứng tỉnh bơ. Thấy một con bò ngã lăn ra, máu me tràn trề, nhiều người chạy ra giành giựt, chia nhau xác con vật. Một tiếng nổ thứ hai tiếp theo- nếu như tôi biết “đạn đi lên, tên đi xuống” thì phải lập tức nằm xuống, chắc không hề hấn gì – lúc đó, không phản ứng kịp thời, tôi bị hất tung lên trời rồi rớt xuống. Thấy mình còn sống, cảm giác cánh tay trái mình không còn, tôi lo lắng sờ tìm và nhận thấy cánh tay mình lúc này vẫn còn…

Lúc đó, nhiều người chạy đến, một anh thanh niên Tây Linh, tên Toán, cõng tôi chạy vào nhà xứ. Vì quá sợ hãi nên tôi được cõng lên rồi rớt xuống nhiều lần…Khi được chuyển vào đồn Mang Cá, ngay lập tức tôi được đưa lên bàn mổ, trên người chỉ còn chiếc quần trong. Các bác sĩ, y tá chuẩn bị ca giải phẩu cấp cứu…Bỗng đồn Mang cá bị pháo kích…y, bác sĩ quanh tôi đều bỏ chạy tán loạn, tìm chỗ ẩn nấp, để lại một mình tôi. Không biết phải làm sao, tôi cố gắng chui xuống dưới giường mổ để tránh đạn, hy vọng lớp nệm dày sẽ che chắn cho tôi phần nào. Giữa hai đợt đạn pháo, tôi bò ra cửa,gặp một anh lính cầm sung đang ở dưới hầm, tôi cho anh ta biết tên tuổi, địa chỉ rồi dặn dò anh : “Nếu tôi chết mà anh còn sống, xin anh vui long nói rõ tên tuổi, địa chỉ của tôi để gia đình biết khi tìm đến mà nhận xác…”

Sau đợt pháo kích, mọi việc cũng tạm ổn. Tôi được đưa đến nằm chung dưới nền đất với các nạn nhân khác: lính có, dân thường có. Đông người đến nỗi phải nằm chật kín thành từng hàng, từng lớp, không phân biệt nam nữ như “phơi cá nục làm mắm”. học phải trần truồng khi chữa trị, ngay trên nền đất, trước mắt những người khác…Nằm cạnh tôi là một nữ sinh trung học, nghe đâu là hoa khôi trường Kiểu Mẫu, Huế. Cô ta bị thương khắp người vì những mảnh đạn pháo. Những vết thương đã được băng bó nhưng cô ta vẫn luôn rên rỉ và đột nhiên cô ta ngất xỉu…Các y tá vẫn tiếp tục việc chữa trị, ngay bên tôi, và phát hiện còn một vết thương nằm trong chỗ kín mà cô ta giấu không cho ai biết…Bên cạnh cô ta còn có người mẹ chăm sóc, thăm nuôi, bà thấy tôi không có than nhân nên cũng ân cần chăm sóc nhưn con mình…

Trong thời gian nằm viện, ngày ngày cứ nhìn những nạn nhân chết liên tục vì nhiễm sài uốn ván; lại thêm ngoài kia, gần trước phòng bệnh, là những chiếc thiết giáp của người Mỹ lien tiếp nhả đạn về đủ mọi phương hướng, bệnh nhân không ai ngủ nghỉ gì được. Chẳng còn cách gì hơn – thay lời nguyện cầu để ăn năn, đền tội, dọn mình chết lành – tôi “tự biên, tự diễn” bài hát từ biệt Đức Mẹ trước khi chết và cứ mãi nghêu ngao:

“Mẹ ơi! Bom đang rơi, đạn đang nổ trên đầu con,
Mảnh sẽ ghim vào tim con!
Con sẽ nằm im bất động hay lồng lộn kêu gào?
Mẹ ơi! Sau cuộc chiến này
Người Việt Nam không còn là người
Chỉ còn một lũ than tàn ma dại mà thôi!”…

Ngay sau khi tạm bình phục, tôi đã viết một truyện ngắn với tựa đề “Trần Truồng” đăng trên tạp chí Bách Khoa, số 156 để thầm trả nợ ân tình với hai mẹ con trong những tháng ngày hoạn nạn ấy. cũng để nói lên trải nghiệm đau xót của tôi : chiến tranh cướp đi tất cả mọi thứ! Cướp đi của tôi một cánh tay giờ chẳng còn nguyên vẹn. Cướp đi những phần thân thể của biết bao nhiêu người khác, kể cả tính mạng. Điều đáng nói tận cùng là chiến tranh cướp luôn cả tính thẹn thùng mà trời đã ban cho những người con gái, đặc biệt là con gái xứ Huế! Phải chăng con người khi sinh ra đã vốn dĩ trần truồng?...

Mười năm sau, khi tôi đã là linh mục, một hôm đi ngang chợ Cam Ranh, tình cờ gặp lại bà mẹ ấy. Bà chào tôi, nhưng tôi không nhận ra nên chỉ gật đầu xã giao. Chuyện tưởng có vậy, không ngờ bà lại thầm trách với nhiều người: “ Cha H bây giờ khác rồi! hồi cha bị thương tôi giúp đỡ ngài rất nhiều, vậy mà bây giờ gặp lại, cha làm lơ như không hề quen biết!”. Lời nói ấy đã đến tai tôi. Tôi cảm thấy rất buồn vì tôi không phải quên nghĩa, cạn tình…

Thế mới hay: ở đời, người ta nợ nhau rất nhiều, nhưng món nợ khó trả nhất là nợ ân tình vì ta không biết làm thế nào để trả…

Trích Đi và Sống Tập 3



Không có nhận xét nào: