Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Những bài học cuộc sống 1



Chó sói và lòng tin dại khờ

 Vào thời xa xưa, khi con người và các loài vật cùng chung sống với nhau trên những hang động và vách núi cao, có một loài vật luôn luôn bên cạnh con người, luôn bảo vệ con người. Đó chính là chó sói.

Chó sói rất hiền lành, chung thành và luôn luôn hi sinh thân mình để bảo vệ cho con người.

Thế rồi vào một ngày, con người tìm thấy chỗ ở mới là những vùng đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu. Nhưng con người lại không muốn mang theo chó sói vì nó to lớn và rắc rối. Thế là con người mới nghĩ ra một cách, họ mang đến một quả bóng và bảo chó sói ngậm nó vào miệng. Trong 11 ngày khi con người đi tìm nơi ở mới, nếu chó sói vẫn có thể ngậm được quả bóng còn nguyên vẹn thì con người sẽ dắt nó theo.

Chó sói vẫn ngoan ngoãn vâng lời chủ của mình và vẫn hi vọng rằng chỉ cần nó cố gắng ngậm quả bóng thì sẽ được theo con người.

Nhưng mặt khác, con người lại nghĩ rằng con chó sói thật ngu ngốc, 11 ngày ngậm quả bóng nó không chết vì đói thì quả bóng cũng xì hơi mà thôi.

Đến ngày thứ 10, chó sói không tài nào chịu đói được nữa nên không may buông quả bóng ra và nó bay lên trời mất.

Nhìn thấy quả bóng cũng chính là hi vọng cuối cùng của mình được trở lại với con người vụt mất, chó sói cứ chạy theo quả bóng mãi, chạy mãi,…. Cho đến khi quả bóng bay tận lên trời xanh và bộ lông trắng muốt của nó cũng dần bạc màu đi vì sương gió, thì chó sói đứng trên đỉnh núi hú gọi…

Và mỗi khi đến ngày trăng tròn, chó sói thường đứng trên đỉnh núi hú gọi vì nó nhầm tưởng đó là quả bóng của con người để lại…

Trải qua bao nhiêu năm như vậy, cho sói vẫn một lòng tin tưởng vào lời hứa của con người.



Bức tranh bị bôi bẩn

 Có một anh chàng họa sĩ từ lâu ôm ấp ước mơ để lại cho hậu thế một tuyệt tác. Và rồi một ngày kia chàng bắt tay vào việc. Ðể tránh sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống thường nhật, chàng dựng một khung vẽ rộng 30 mét vuông trên sân thượng một tòa nhà cao tầng lộng gió.

Người họa sĩ làm việc miệt mài suốt nửa năm. Chàng say mê bức họa tới mức quên ăn quên ngủ. Khi bức tranh hoàn thành, nó sẽ đưa tên tuổi của chàng sống mãi với thời gian.

Một buổi sáng nọ, như thường lệ, chàng họa sĩ tiếp tục hoàn chỉnh những nét cọ trước sự trầm trồ của hàng chục du khách tham quan. Tuy nhiên sự có mặt của đám đông không hề ảnh hưởng tới họa sĩ.

Chìm đắm trong cơn say mê điên dại, chàng ngây người nhìn ngắm thành quả lao động sáng tạo của mình. Cứ thế, chàng từ từ lùi ra xa để chiêm ngưỡng bức tranh mà không biết rằng mình đang tiến tới mép sân thượng.

Trong số hàng chục người khách tham quan đang bị bức tranh hút hồn, chỉ có vài người phát hiện ra mối nguy hiểm đang chờ đón người họa sĩ: chỉ lùi một bước nữa là chàng sẽ rơi tõm xuống khoảng trống mênh mông cao cả trăm mét.Tuy nhiên, không ai có can đảm lên tiếng vì biết rằng một lời cảnh báo có thể sẽ khiến người họa sĩ giật mình ngã xuống vực thẳm.

Một sự im lặng khủng khiếp ngự trị trong không gian. Bất chợt một người đàn ông tiến tới giá vẽ. Ông ta chộp lấy một cây cọ nhúng nó vào hộp màu và bôi nguệch ngoạc lên bức tranh.

Một sự hoàn mỹ tuyệt vời đã bị phá hủy. Người họa sĩ nổi giận, anh ta gầm lên đùng đùng lao tới bức vẽ, giật cây cọ từ tay người đàn ông nọ. Chưa hả giận, người họa sĩ vung tay định đập cho người đàn ông nọ một trận. Tuy nhiên, hàng chục người xung quanh cũng đã kịp lao tới, giữ lấy người họa sĩ và giải thích cho anh ta hiểu tình thế.
Rồi một vị cao niên tóc bạc phơ đến bên chàng họa sĩ và nhẹ nhàng nói: “Trong cuộc đời, chúng ta thường mải mê phác ra những bức tranh về tương lai. Tuy rằng bức tranh đó có thể rất đẹp, rất quyến rũ nhưng chính sự quyến rũ, mê hoặc về những điều sắp tới đó thường khiến chúng ta không để ý tới những mối hiểm họa gần kề, thậm chí là ngay dưới chân mình”.

Vậy nên, nếu như có ai đó bôi bẩn, làm hỏng bức tranh về tương lai mà ta dày công tô vẽ, xin bạn chớ nóng vội mà oán giận. Trước tiên hãy xem lại hoàn cảnh thực tại của chính mình. Biết đâu một vực thẳm đang há miệng chờ đón ngay dưới chân bạn.



Những vòng tròn nước

 Nhớ hồi tôi chừng 7 tuổi, ông nội dẫn tôi đến bên hồ cá trong trang trại rồi bảo tôi thử ném một viên đá xuống nước. Sau đó ông bảo tôi quan sát những vòng tròn trên mặt nước bởi chính viên đá vừa ném.

Rồi ông bảo tôi: “Cháu hãy thử hình dung mình như viên đá kia. Trong đời, cháu cũng có thể tạo ra rất nhiều vòng tròn xao động và chúng sẽ ảnh hưởng đến sự an bình của tất cả những người xung quanh.”

Và rồi ông tiếp tục: “Hãy luôn nhớ rằng cháu là người chịu trách nhiệm về những gì cháu đã đặt vào trong vòng tròn của chính mình và vòng tròn đó cũng sẽ lan toả và chạm vào rất nhiều vòng tròn khác.

Vì vậy hãy sống sao cho những điều tốt đẹp mà vòng tròn của cháu tạo nên được gửi đi như những thông điệp của hòa bình và nhân ái đến khắp mọi người.

Ngược lại, những xao động sinh ra từ sự giận dữ hoặc ganh tị chắc chắn sẽ lan tỏa và ảnh hưởng đến những vòng tròn khác. Do đó, cháu cần phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với tất cả những điều trên”.

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra rằng sự an bình nội tại hay sự bất an trong mỗi con người đều chảy ra thế giới này.

Vì thế sẽ không thể tạo lập một thế giới hòa bình khi chúng ta đang còn bị vướng bận bởi những xung đột nội tại, hận thù, hồ nghi hay giận dữ bên trong dẫu cho những xúc cảm hay ý nghĩ đó có được nói ra hay không.

Mọi khuấy động xung quanh những vòng tròn diễn ra trong mỗi chúng ta đều tràn ra thế giới rộng lớn này, hoặc để tô vẽ thêm vẻ đẹp cho cuộc sống, hoặc cản trở, phá vỡ những vòng tròn khác.



Chiếc giày chân phải

 Đàn ông nếu biết kỹ quá khứ của vợ thì đau đầu lắm. Còn đàn bà, nếu biết hơi nhiều về hiện tại của chồng thì đau tim lắm. Nhưng đã trót biết rồi mà ứng xử được như bà vợ này thì thật là cao thủ.

18 giờ, chị gọi điện thoại đến Công ty của chồng, chú bảo vệ nói rằng: “sếp vừa đi ăn tối ở nhà hàng”. Linh tính cho chị biết đó là… nhà nàng chứ không phải nhà hàng.
20 giờ, sau khi cho các con ăn xong, chị phi xe máy đến nhà nàng. Ô tô của sếp đang đỗ ở trong sân. Linh tính đã không đánh lừa chị. Có cái gì đó rất nóng, trào lên nơi cuống họng nhưng chị đã kịp nuốt khan nó vào. Không ấn chuông, không đập cửa, cũng không gào thét, chị cởi chiếc giày bên chân phải của mình, treo vào phía trong cánh cửa sắt rồi phóng xe về nhà, giúp các con ôn bài.

Gần 23 giờ đêm, sếp mới chỉnh trang lại y phục, chải lại mái tóc bị vò rối bù và ra về. Nàng ra mở cửa cho sếp trong bộ váy áo ngủ mỏng tanh đầy quyến rũ và giật mình khi nhìn thấy một chiếc giày treo trong khung cửa sắt.

“Sao lại có một chiếc giày ở đây? Một chiếc giày chân phải rất đẹp”.
“Thôi, em vào ngủ đi. Cho dù đẹp nhưng một chiếc giày thì cũng chẳng làm được việc gì”.

Trên đường về nhà, sếp cứ nghĩ vẩn vơ về chiếc giày đó, nó là của ai? Và vì sao nó được treo ở đó? Sếp đánh ô tô vào gara, mở cổng rất khẽ. Có một chiếc giày chân trái của phụ nữ đặt ngay ngắn trên bậc cửa. Sếp đứng như trời trồng trước chiếc giày đó chừng 2 phút. Sau đó sếp vào phòng ngủ riêng, vì sếp không muốn nghe vợ cằn nhằn, khóc lóc. Nhưng sếp trằn trọc mãi không sao ngủ được. Sẽ có giông bão trong căn nhà này. Sẽ là nước mắt, tiếng la hét và một lá đơn ly hôn. Rồi hai đứa nhỏ sẽ chán đời, đi bụi và hư hỏng… Đó là tấn bi kịch đáng sợ nhất.

Nhưng sáng hôm sau mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Bát phở gầu bò thơm ngào ngạt vẫn được để ngay ngắn trên bàn cùng với mấy dòng chữ của vợ: “Em đưa các con đến trường. Anh ăn sáng rồi đi làm. Hôm nay trời u ám nên anh phải mặc bộ vét màu sáng, thắt cà vạt màu sáng. Em đã là kỹ, treo trong tủ”.

Sếp gọi điện thoại cho nàng: “Chiếc giày chân phải kia là của vợ anh. Đừng vứt đi nhé”. Giọng nàng đầu dây bên kia nghe hơi hoảng hốt: “Trời ạ! Anh muốn làm sao thì làm chứ nếu chị ấy đến nhà em làm ầm lên thì em không sống nổi đâu. Chiều anh tạt qua lấy chiếc giày về”.

Nhiều ngày trôi qua mà giông bão không nổi lên, thái độ của vợ sếp vẫn bình thản, song một chiếc giày trên bậc cửa cứ nhắc sếp về sự lẻ loi và tội lỗi của một người. Rồi một buổi chiều, sếp lấy hết can đảm, lôi chiếc giày bên phải trong cốp xe ra, đặt ngay ngắn bên chiếc giày chân trái của vợ. Chị đi làm về, đứng sững trước bậc cửa mấy giây rồi chạy vào, ôm ghì lấy chồng mà thì thầm: “Ôi! Chiếc giày chân phải của em!” Sếp cũng thì thầm bên tai vợ: “Anh xin lỗi em – nghìn lần xin lỗi!”




Sự tích bảy sắc cầu vồng

Xưa lắm rồi, các màu trên mặt đất bỗng dưng cãi nhau. Màu nào cũng tự cho rằng mình là tuyệt hảo, quan trọng nhất, hữu ích nhất và được ưa chuộng nhất.

Màu lục bắt đầu: Dĩ nhiên là tôi quan trọng nhất. Tôi là biểu tượng của sự sống và niềm hi vọng. Tôi được chọn để tạo thành cỏ cây. Thiếu tôi cảnh vật sẽ tiêu điều. Hãy nhìn vạn vật xung quanh, các bạn hẳn thấy tôi đúng.

Màu xanh ngắt lời: Bạn chỉ nghĩ đến những gì trên mặt đất, hãy ngước nhìn trời xanh và dõi ra biển biếc. Từ đáy biển sâu đến chín tầng mây cao, sự sống tồn tại được đều nhờ vào nước. Trời xanh bao la mang hình ảnh của sự thanh bình. Nếu không có thanh bình muôn loài ai nấy cũng sẽ xác xơ.

Màu tím cãi lại: Tôi là màu của sức mạnh. Từ vua quan đến hàng giáo phẩm đều chọn màu của tôi vì tôi tượng trưng cho quyền uy và thông thái. Ai ai cũng sẵn sàng lắng nghe và tùng phục.

Màu vàng cười vang: Sao toàn là chuyện nghiêm túc quá thế. Tôi cho rằng chỉ có tôi mới mang lại niềm vui và sự ấm áp cho đời mà thôi. Này nhé, mặt trời vàng, mặt trăng vàng, các vì sao vàng, tất cả đem lại sự vui tươi và nụ cười cho toàn thế giới. Vắng tôi là thiếu hẳn đi niềm hân hoan.

Đến lượt màu cam tự khen: Tôi là màu của sức khỏe, của sự đổi mới. Có lẽ tôi là một màu quí vì tôi phục vụ mọi nhu cầu của con người. Tôi mang các sinh tố quan trọng nhất, hãy nhìn các loại trái cây thì biết. Tôi ít khi có mặt nhưng khi tôi nhuộm bầu trời bình minh hay bầu trời hoàng hôn, vẻ đẹp mê hồn của tôi khiến không còn ai nhớ đến các bạn nữa.

Màu chàm tiếp lời, giọng nhỏ nhẹ nhưng quyết liệt: Các bạn hãy nghĩ đến tôi xem nào. Tôi là màu của sự tĩnh lặng. Phải để ý đến tôi vì thiếu tôi, các bạn sẽ trở nên hời hợt, thiếu sâu sắc. Tôi đại diện cho tâm hồn, ý tưởng và sự tinh tế. Ai cũng cần tôi để có được một cuộc sống cân bằng cũng như tạo nên sự khác biệt. Tôi hữu dụng cho lòng tin, những giây phút trầm tư, an lạc nội tâm.

Đến lúc này màu đỏ không thể kiềm chế được nữa, quát to: Ta đây mới đích thị là “xếp sòng”. Ta là máu, là sinh lực. Ta là màu báo nguy, màu của sự can đảm. Ta là lửa. Ta là màu của đam mê, của tình yêu, của hoa hồng, của hoa anh túc… Thiếu ta, địa cầu sẽ ảm đạm như mặt trăng kia.

Và rồi các màu lại tiếp tục khoe khoang; mỗi màu tự cho mình mới là quan trọng thật sự. Cuộc tranh cãi càng lúc càng căng thẳng, bỗng nhiên một tia chớp xẹt đến, tiếp theo ngay sau là một tiếng sét to. Mưa như thác đổ xuống các màu khiến chúng phải sát cánh lại để che chở cho nhau.

Mưa nói: Thật là ngốc nếu các bạn mãi chống đối nhau. Các bạn không biết rằng mỗi màu được tạo ra cho một mục đích rõ ràng sao? Mỗi màu đều có một tính cách độc nhất và đặc biệt trong thế giới này. Hãy bắt tay nhau và cùng đến với tôi.

Các màu nghe có lý và làm theo đề nghị của mưa. Chúng đến bắt tay nhau. Mưa khuyên tiếp: Từ giờ trở đi, khi nào mưa mỗi bạn hãy nổi lên thành một cầu vồng trên bầu trời để chứng tỏ các bạn đã chung sống hòa bình. Cầu vồng là hình ảnh của sự hy vọng và hòa giải.

***
Tình bạn rực rỡ như bảy sắc cầu vồng: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Đỏ là quả chín, cam là ngọn lửa bất diệt, vàng là ánh dương chiếu rọi, lục là cây cỏ bừng mạch sống, lam là dòng nước trong xanh, chàm là niềm mơ ước trong tim, tím là nụ hoa sắp nở. Chúng ta hãy cùng nhau chung tay chăm sóc tình bạn để tình bạn trổ nụ đơm hoa nhé!



Bà lão ăn mày và đứa bé

Bà lão chống gậy, một tay cầm mảnh gáo dừa đứng trước cửa mọi nhà xin của bố thí. Tiếng con chó nhà chủ rít lên nghe khác thường, quyết liệt hơn mọi khi. Một chú bé chừng năm tuổi đứng gần bà lão, trên tay …cầm chiếc kẹo đứng xem bà chăm chú.

Có lẽ vì nó không có bà hay cụ,nên bà lão đã khiến nó nhìn bà chăm chú đến thế. Cái tiếng chó sủa như té tát cũng chẳng làm bà lão sợ. Vẫn mảnh gáo dừa chìa ra phía trước. Cái mảnh gáo dừa vỡ tướp, như bóng lên dưới thời gian của đủ các loại ngọc thực – Chắc cầm nó khi đói cũng nặng.

Ở trong sân một tiếng người trung tuổi vọng ra:
- Khổ lắm! Nhà này chẳng có gì đâu!

Lời nói ấy như một thông điệp quen thuộc. Tiếng chó thôi sủa, sự yên tĩnh trở lại nơi ngõ nhỏ. Bà lão lặng lẽ cầm mảnh gáo ra đi. Cái lưng còng như gánh trên thân bà bao mảnh áo quần rách tướp sói lở theo thời gian. Đôi tay gầy gò nhăn nheo, rạn nứt như chứa đựng bao buồn đau cuộc đời.

Thằng bé cũng lặng lẽ ngơ ngác theo bà lão ra đầu ngõ. Chợt rất nhanh nó tiến tới gần bà. Như có lực hút. Nó đưa biếu bà lão chiếc kẹo đang cầm trên tay.

Bà lão cũng ngơ ngác như như chính khi nó ào tới:
- Ôi! Tôi xin cảm ơn cậu. Và trong mảnh gáo dừa run run kia có một cái kẹo.Thằng bé chạy ào đi như trốn sự nuối tiếc.

Ngày hôm sau, vẫn trên lối ngõ nhỏ ấy, tiếng chó lại cồn lên huyên náo. Và bà lão lại ra đi với mảnh gáo dừa trống rỗng. Tới đầu ngõ, vẫn thằng bé hôm qua ngơ ngác theo bà. Nhưng lần này, nó mạnh dạn hơn, tiến tới bên bà lão, trên tay nhỏ còn lại nửa chiếc quẩy đang ăn dở.
- Cháu cho bà – Nó nhẹ nhàng đặt vào lòng gáo.
Tấm lưng còng như rung lên:
- Ôi! Xin cảm ơn cậu. Nó nhẹ nhàng bay đi, trong mắt còn ánh lên một niềm vui nhỏ. Và cứ thế, ngày nọ qua ngày kia, hai cực của hai kiếp người nhỏ nhoi ấy như tiến gần lại nhau hơn.

Tiếng chó vẫn sủa! Song một hôm, trước cái ngõ nhỏ ấy. Thằng bé tần ngần nhìn bà lão, họ đang tiến đến gần nhau, song trong ánh mắt thằng bé, một nỗi ân hận,thiếu vắng như chìm xuống. Trên tay nó trống không, bất lực, đôi mắt buồn bã hướng xuống con đường nhỏ.

- Cảm ơn cậu! – Tiếng bà lão nói rất khẽ, như chỉ để cho họ nghe thấy. – Bà muốn biếu cháu một thứ! – Trên tay già nua hướng về phía thằng bé, một mảnh nhựa đỏ có in hình đức Phật.
- Bà biếu cháu chút quà.

Trong tay thằng bé vẫn cầm chặt mảnh nhựa, tần ngần nhìn theo bóng bà già khuất dần trên lối xóm. Và mãi những ngày về sau, trong xóm nhỏ, không còn ai nghe tiếng sủa của con chó thường cắn, có lẽ nó đã già và chết.

Nhưng trước ngõ, thằng bé vẫn nô đùa cùng các bạn. Trên cổ nó, cái mảnh nhựa đỏ có in hình đức Phật, như bay theo những nô đùa của lũ trẻ trong không gian.



Những chiếc vỏ lon của bố

 Năm tôi lên 10 tuổi, bố mua về cho một con búp bê. Đó là món quà đầu tiên trong đời tôi nhận được khi kết thúc lớp 4 với kết quả học sinh giỏi.

Bố làm nghề lái xe ôm, quanh năm đội nắng đội mưa tìm khách để kiếm thêm thu nhập cho gia đình ngoài cái nghề thu mua đồng nát của mẹ. Tuy chạy xe ôm, nhưng ở đâu thấy những lon bia hay lon nước ngọt nằm lăn lóc là bố dừng xe nhặt, mặc cho khách ngồi sau xe tỏ ra khó chịu hay cảm thông cho bố. Nhiều hôm có những vị khách khi thấy hành đồng của bố đã khen bố là người chồng tử tế, là người bố biết chăm lo gia đình, để khi thanh toán tiền xe họ trịnh trọng “thưởng” thêm cho bố ít tiền và bảo: “Tôi khâm phục những người như anh”.

Mẹ tôi với vành nón lá tả tơi trên vai đôi quang gánh đi từng con hẻm để mua nhôm đồng, nhựa… và những thứ người ta chuẩn bị vứt đi để mong bán lại kiếm chút lời.
Gia đình tôi sống trong con hẻm chật chội nằm ở ngoại thành. Bố mẹ chắt chiu mãi vẫn không xây nổi căn nhà đàng hoàng để che mưa che nắng, chỉ có căn lều che tạm trong cái xóm “ngụ cư”. Từ cái ngày bố mẹ bán đi căn nhà tranh xiêu vẹo, không chống chọi nổi với những cơn bão ở dưới quê để sống tạm bợ nơi khu ổ chuột này, khuôn mặt bố ngày càng gầy thêm, đôi tay mẹ ngày một đen sạm vì nắng.

Thành phố lúc này là không gian thích thú đối với anh em chúng tôi, nhưng với bố mẹ là một sự vật lộn để kiếm từng đồng thu nhập nhỏ nhoi, thầm lặng và lao lực. Tuổi thơ lơ đãng tôi chưa hề để tâm tới.

Cuộc sống thiếu thốn là thế, nhưng gia đình 5 thành viên của chúng tôi luôn rộn rã tiếng cười đùa vì sự chăm sóc chu đáo, hết mức của ba mẹ.

Năm tôi học lớp 12, trong một lần cùng bạn bè đi học về, tình cờ thấy bố đang chở khách trên đường bất ngờ dừng xe lại trước một đống vỏ bia chừng 20 lon, để vị khách ấy ngồi trên xe, bố lấy bao nilon nhặt chúng vào trước những con mắt ngạc nhiên của đám bạn. Tôi đỏ mặt, ù tai khi trong đám bạn có đứa lên tiếng bảo: “Có phải bố của con P. ấy không?”… Tôi chạy một mạch về nhà, bỏ lại đám bạn, bỏ lại một chút tự ti, mặc cảm rất ngây thơ rồi ôm mặt khóc nức nở.

Tôi bỏ cơm tối, nằm lì trên giường. Mẹ đến dò xét mãi tôi mới chịu nói ra là vì sao mình khóc. Khi tôi nói ra những điều đó, mẹ ôm tôi bật khóc. Mẹ kể cho tôi nghe bố tặng tôi con búp bê hồi học lớp 4 là kết quả từ việc nhặt lon bia, rồi tiền mua cái áo nhân lúc sinh nhật, vòng đeo tay, sách vở… tất cả đều là tiền bố ki cóp từ đó mà có. Vì tất cả tiền chạy xe ôm bố đều đưa cho mẹ để trang trải cuộc sống, duy chỉ có thu nhập ít ỏi từ những lon bia là bố giữ lại đợi đến lúc cần thiết sẽ mua quà bánh cho tôi.

“Tất cả những thứ con có đều là từ lon bia đấy con ạ”. Mẹ tôi bảo như thế. Nghe xong những câu nói trong nước mắt của mẹ, tôi khóc như chưa bao giờ được khóc rồi mong bố đi chuyến xe ôm cuối cùng để về nhà sớm, tôi sẽ chạy ào ra ôm bố và bảo: “Bố ơi con thương bố nhiều, con có lỗi với bố”.



Cà rốt, trứng hay café ?

 Cô con gái hay than thở với cha sao bất hạnh này cứ vừa đi qua thì bất hạnh khác đã vội ập đến với mình, và cô không biết phải sống thế nào. Có những lúc quá mệt mỏi vì vật lộn với cuộc sống, cô đã muốn chối bỏ cuộc đời đầy trắc trở này. Cha cô vốn là một đầu bếp. Một lần, nghe con gái than thở, ông dẫn cô xuống bếp.

Ông bắc ba nồi nước lên lò và để lửa thật to. Khi ba nồi nước sôi, ông lần lượt cho cà rốt, trứng và hạt cà phê vào từng nồi riêng ra và đun lại để chúng tiếp tục sôi, không nói một lời. Người con gái sốt ruột không biết cha cô đang định làm gì.

Lòng cô đầy phiền muộn mà ông lại thản nhiên nấu. Nửa giờ sau người cha tắt bếp, lần lượt múc cà rốt, trứng và cà phê vào từng tô khác nhau.

Ông bảo con gái dùng thử cà rốt. “Mềm lắm cha ạ”, cô gái đáp. Sau đó, ông lại bảo cô bóc trứng và nhấp thử cà phê. Cô gái cau mày vì cà phê đậm và đắng.

- Điều này nghĩa là gì vậy cha? Cô gái hỏi.
- Ba loại thức uống này đều gặp phải một nghịch cảnh như nhau, đó là nước sôi 100 độ. Tuy nhiên mỗi thứ lại phản ứng thật khác. Cà rốt khi chưa chế biến thì cứng và trông rắn chắc, nhưng sau khi luộc sôi, chúng trở nên rất mềm.
Còn trứng lúc chưa luộc rất dễ vỡ, chỉ có một lớp vỏ mỏng bên ngoài bảo vệ chất lỏng bên trong. Sau khi qua nước sôi, chất lỏng bên trong trở nên đặc và chắc hơn. Hạt cà phê thì thật kỳ lạ. Sau khi sôi, nước của chúng trở nên rất đậm đà.

Người cha quay sang hỏi cô gái: Còn con? Con sẽ phản ứng như loại nào khi gặp phải nghịch cảnh. Con sẽ như cà rốt, bề ngoài tưởng rất cứng cáp nhưng chỉ với một chút đau đớn, bất hạnh đã trở nên yếu đuối chẳng còn chút nghị lực? Con sẽ là quả trứng, khởi đầu với trái tim mỏng manh và tinh thần dễ đổi thay.

Nhưng sau một lần tan vỡ, ly hôn hay mất việc sẽ chín chắn và cứng cáp hơn. Hay con sẽ giống hạt cà phê? Loại hạt này không thể có hương vị thơm ngon nhất nếu không sôi ở 100 độ. Khi nước nóng nhất thì cà phê mới ngon.

Cuộc đời này cũng vậy con ạ. Khi sự việc tưởng như tồi tệ nhất thì chính lúc ấy lại giúp con mạnh mẽ hơn cả. Con sẽ đối mặt với những thử thách của cuộc đời như thế nào? Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?



Chiếc lá sạch


Có một thanh niên từ ngàn dặm xa xôi tìm đến đại sư Thích Tế chùa Nhiên Đăng, thưa rằng:
- Con là một thư sinh luôn biết Tam Cương – Ngũ Thường… từ xưa đến nay không bao giờ biết nói những lời vu khống bịa đặt, không gây ra chuyện thị phi, nhưng không hiểu vì sao luôn có người dùng lời ác độc chửi bới con, dùng lời bịa đặt dơ bẩn hủy nhục con. Đến hôm nay, con thật sự không chịu nổi nữa, nên con muốn vào chùa cạo tóc làm tăng để xa lánh chốn bụi hồng, xin Đại sư hãy thâu nhận đệ tử!

Đại sư Thích Tế yên lặng nghe chàng trai nói xong, bèn mỉm cười bảo rằng:
- Thí chủ hà tất vội vã, đợi bần đạo vào trong sân nhặt một chiếc lá sạch, thí chủ sẽ có thể biết được tương lai của mình và mình nên sẽ làm gì.

Đại sư dẫn chàng trai đến bên một con suối nhỏ chảy ngang qua chùa, tiện tay hái một lá trên cây xuống và bảo với một chú tiểu đi lấy dùm cho mình một cái thùng và một cái gáo múc nước.

Chú tiểu vội vàng mang thùng gỗ và chiếc gáo hồ lô đến trao cho Đại sư.

Thích Tế kẹp lấy chiếc lá sạch trong tay và bảo chàng trai:
- Thí chủ không gây ra chuyện thị phi, xa rời bụi trần, cũng giống như chiếc lá sạch trong tay bần đạo vậy.

Vừa nói, Thích Tế vừa đặt chiếc lá vào trong thùng, xong chỉ vào thùng nói:
- Nhưng hôm nay thí chủ không may gặp phải những lời chửi bới, hủy nhục vây hãm vào trong giếng sâu khổ đau trần thế, có phải giống như chiếc lá sạch bị bỏ vào trong tận đáy thùng này hay không?

Chàng trai thở dài gật đầu thưa:
- Thưa vâng, con chính là chiếc lá dưới đáy thùng.

Đại sư Thích Tế đặt thùng nước lên trên một tảng đá bên cạnh bờ suối, khom người múc một gáo nước dưới suối lên, nói:
- Đây là một câu chửi bới dành cho thí chủ, với ý đồ muốn nhấn chìm thí chủ.
Vừa nói vừa dội gáo nước lên trên chiếc lá trong thùng, chiếc lá chao động mạnh, sau đó lặng lẽ nổi lại lên mặt nước.

Đại sư khom lưng múc thêm một gáo nước kế tiếp, bảo rằng:
- Đây là câu chưởi bới độc ác của loại người thô lỗ thấp hèn dành cho thí chủ, vẫn với một mưu đồ là muốn nhấn chìm thí chủ như trước, vậy thí chủ hãy nhìn xem lần này chiếc lá sẽ như thế nào?

Theo cách đã làm, Đại sư dội gáo nước lên chiếc lá, nhưng chiếc lá chỉ lắc lư và lại nổi lên trên mặt nước như cũ.
Chàng trai hết nhìn nước trong thùng, rồi lại nhìn chiếc lá nổi bềnh bồng, thưa với Đại sư :
- Chiếc lá không hề bị tổn hại, chỉ là nước trong thùng sâu, chiếc lá theo mực nước mà cách miệng thùng càng lúc càng gần.

Đại sư Thích Tế nghe xong, mỉm cười gật đầu, lại múc thêm một gáo dội lên chiếc lá, bảo chàng trai rằng:
- Lời nói bịa đặt hay xỉ mạ thấp hèn..không có cách nào đánh chìm được một chiếc lá sạch. Chiếc lá sạch bị chao động bởi những lời nói vu khống, hủy báng dội lên thân nó, nhưng nó không những không bị chìm xuống dưới đáy, ngược lại tùy theo mức gia tăng của nước (những lời nói vô bổ, tùy tiện và thô lỗ), khiến nó càng nổi lên cao, từng bước từng bước xa rời đáy thẳm.

Đại sư vừa nói, vừa tiếp tục đổ nước vào thùng, thoáng chốc nước tràn đầy, chiếc lá rốt cuộc đã nổi lên trên mặt thùng.

Chiếc lá rực rỡ, giống như một chiếc thuyền lá nhỏ, nhẹ nhàng nhấp nhô, lắc lư theo dòng nước.

Đại sư Thích Tế ngắm nhìn chiếc lá cảm thán rằng :
- Nếu lại có thêm những lời vu khống thô lậu, hủy báng thấp hèn, thì càng tuyệt.

Chàng thanh niên nghe xong, không hiểu thâm ý, bèn thưa với Đại sư rằng :
- Vì sao Ngài lại nói như thế ?

Thích Tế cười, múc thêm hai gáo nước, dội lên chiếc lá trong thùng, nước trong thùng tràn ra bốn phía, lôi theo chiếc lá xuống tới dòng suối, chiếc lá nhập dòng ung dung trôi đi.
Đại sư bảo chàng trai:
- Những lời bịa đặt, vu khống, xỉ mạ thấp hèn bỉ ổi ..rốt cuộc sẽ giúp cho chiếc lá vượt thoát được vòng kiềm tỏa, hướng đến sông dài, biển lớn và những phương trời cao rộng thênh thang.

Chàng thanh niên hốt nhiên tỏ ngộ, vui mừng khấu tạ Thích Tế:
- Thưa Đại sư, con đã hiểu rõ rồi, một chiếc lá sạch sẽ không bao giờ bị nhấn chìm xuống đáy nước. Những lời nói vu khống bịa đặt, phỉ báng sỉ nhục chỉ có thể giúp gội rửa một tâm hồn vốn đã trong sạch, lại càng trong sạch thêm mà thôi.
Đại sư Thích Tế mỉm cười hoan hỷ.


Bóng Tà Lua sưu tầm

Không có nhận xét nào: